Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện
Thứ năm - 12/10/2023 00:13
Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam" được Thủ tướng ban hành quyết định từ cuối năm 2019. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2025, 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm; 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “1000 ngày vàng đầu đời là giai đoạn rất quan trọng, quyết định cho sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em. Đầu tư vào chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của trẻ. Giai đoạn này được xem là cơ hội để chăm sóc dinh dưỡng, qua đó thiết lập nền tảng cho sức khỏe, trí thông minh và trí tuệ cảm xúc nói chung của một con người”. 1.000 ngày này được tính kể từ thụ thai, mang thai, đến khi trẻ tròn hai tuổi. Nếu tác động dinh dưỡng sớm, tích cực thông qua chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, trẻ sẽ có hệ miễn dịch tốt, phát huy hết tiềm năng trí lực. Khi trưởng thành, trẻ cao lớn, khỏe mạnh, thông minh. Đây còn là cơ hội có một không hai phòng ngừa sớm các bệnh mạn tính không lây, để cơ thể khỏe mạnh suốt đời. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: trong 1000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Ngược lại, trong 1000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Do đó suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi được với sức phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này, kết quả học tập kém hơn, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém… Trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời do bệnh tật, do thiếu sữa mẹ hoặc các thực phẩm bổ sung giàu dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao từ những bệnh thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn. Chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày – nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2). Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ sẽ quyết định sự phát triển về sau này. Để trẻ được phát triển toàn diện và khỏe mạnh, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần bổ sung vi chất dinh dưỡng, để bào thai đủ cân, khỏe mạnh, hoàn thiện đầy đủ các chức năng. Cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong một giờ sau sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng sơ sinh, kéo dài đến hai tuổi càng tốt. Cho trẻ bú mẹ rất quan trọng, nhằm củng cố hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thiết lập chức năng miễn dịch cơ thể chống lại bệnh tật. Đặc biệt, hai năm đầu đời là giai đoạn phát triển tột đỉnh của não bộ về khối lượng và chất lượng. Thời kỳ bào thai sẽ hình thành các phần não bộ. Sau sinh, não tiếp tục được hoàn thiện cấu trúc, chức năng. Lúc một tuổi, não trẻ phát triển thể tích gấp ba lần so với khi vừa chào đời. Đến hai tuổi, não trẻ hoàn thiện 80% cấu trúc chức năng so với người trưởng thành. Các giác quan, khả năng nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, cảm xúc của trẻ được kích thích tối đa. Yếu tố di truyền - gene chỉ ảnh hưởng tối đa 20%, còn dinh dưỡng và các yếu tố môi trường chiếm 80% mới là điều quyết định tình trạng sức khỏe suốt đời của một người. Người mẹ chăm sóc, đầu tư tốt dinh dưỡng cho con, quá trình này diễn ra thuận lợi, trẻ phát triển bình thường. Ngược lại, dinh dưỡng không đủ, dư thừa hoặc thiếu hụt khiến trẻ bị béo phì, thấp còi, trí não chậm phát triển, thậm chí tàn tật trí tuệ. Ngoài ra, bà mẹ và người chăm sóc trẻ cần chủ động đi khám tư vấn dinh dưỡng, được nhận các thông tin đúng, để nuôi con một cách tốt nhất. Kết hợp chăm sóc khoa học, tiêm chủng đầy đủ, giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tiềm năng tối đa.Đặc biệt, cha mẹ cần cân đo trẻ đều đặn hàng tháng để kịp phát hiện ngay khi trẻ chậm lớn. Nếu bỏ lỡ giai đoạn 1000 ngày vàng đầu đời, trẻ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều trong quá trình tăng trưởng và phát triển./. Anh Thơ (Tổng hợp)
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...