Về nguồn tìm địa chỉ đỏ - viếng hương các anh hùng liệt sĩ
Thứ ba - 09/07/2024 21:22
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Sở Y tế về định hướng sinh hoạt chuyên đề năm 2024, theo Kế hoạch sinh hoạt chuyên đề của chi bộ năm 2024, Chi bộ 1 thuộc Đảng bộ bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã tổ chức về nguồn tìm địa chỉ đỏ tại Khu căn cứ cách mạng Hòa Vang thuộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Các Đảng viên Chi bộ 1 chụp hình lưu niệm trước nhà lưu niệm khu căn cứ cách mạng Hòa Vang
Tại đây, ngoài được tham quan nhà trưng bày tư liệu, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ, các thành viên còn được nghe giới thiệu về khu căn cứ, về những sự kiện lịch sử quan trọng, những chiến công của quân và dân huyện Hòa Vang trong bề dày lịch sử anh dũng đấu tranh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Phút mặc niệm thiêng liêng, trang nghiêm, tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh gian khổ, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc
Qua lời kể của người cựu binh già, từng kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu tại đây, các đảng viên Chi bộ 1 đã hiểu rõ hơn về sự gian khổ nhưng anh hùng của cha anh, hiểu hơn về những chiến công, sự kết nối giữa quân và dân kiên cường như thế nào trong hai cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.
Các Đảng viên Chi bộ 1 chăm chú nghe người cựu chiến binh thuyết trình về lịch sử đấu tranh, giành độc lập tại Khu căn cứ cách mạng Hòa Vang
Hòa Vang là huyện bao bọc quanh thành phố Đà Nẵng, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh. Phía Bắc khu căn cứ tiếp giáp với thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), phía Đông là hồ Đồng Xanh- Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), phía Tây- Nam trùng trùng điệp điệp các dãy núi hình cánh cung là ranh giới giữa huyện Hòa Vang và các huyện Đông Giang, Đại Lộc (Quảng Nam). Chính vì vậy, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều lấy địa bàn Hòa Vang - Đà Nẵng làm nơi đổ quân đầu tiên để xâm lược nước ta và trong suốt quá trình này Hòa Vang luôn là một chiến trường ác liệt.
Khu căn cứ cách mạng Hòa Vang là căn cứ địa cách mạng hình thành từ những năm tháng khốc liệt của 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Nơi đây đào tạo, nuôi dưỡng, huấn luyện hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ địa phương. Nằm ở vị trí quan trọng trên mặt trận Quảng Đà, khu căn cứ trở thành chỗ dựa vững chắc để Đặc khu ủy lãnh đạo các cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng.
Cánh Tây Hòa Vang trở thành cái nôi chung của phong trào cách mạng các huyện phía bắc và tây bắc của tỉnh, là địa bàn đứng chân của các cấp lãnh đạo trong những năm khó khăn, gian khổ nhất. Dù nằm ở đâu, khu căn cứ đều phải chấp hành quy định “đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không ra tiếng”; phải bảo đảm tính bí mật, an toàn và hiệu quả trong việc theo sát, chỉ đạo tác chiến của bộ máy lãnh đạo đối với phong trào cách mạng tại địa phương. Tên gọi “Hòn đá Đà Nẵng” và “Hòn đá Non Nước” ở Khu căn cứ được coi là biểu tượng thiêng liêng cho lòng yêu nước và sự quật cường.”
Hành trình tham quan khu di tích cách mạng, được nghe, được thấy những kỷ vật, những chiến đấu hy sinh gian khổ nhưng quật cường của cha anh của thời kỳ máu lửa đã giúp mỗi đảng viên nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó, đảng viên càng nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng của chất lượng sinh hoạt chi bộ trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên./.