Đừng chủ quan với thời tiết lạnh: Đột quỵ có thể ập đến bất ngờ!
Thứ tư - 08/01/2025 20:12
Bạn có biết, tỷ lệ đột quỵ vào mùa đông cao hơn tới 30% so với các mùa khác? Đặc biệt, người cao tuổi và những bệnh nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường hay tim mạch nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhất. Thời tiết lạnh không chỉ khiến cơ thể co rúm vì buốt giá, mà còn tác động nguy hiểm đến sức khỏe tim mạch. Sự co thắt mạch máu, tăng huyết áp đột ngột và nguy cơ hình thành cục máu đông là những yếu tố âm thầm dẫn đến đột quỵ – căn bệnh được ví như “kẻ giết người thầm lặng.”
Đáng lo hơn, đột quỵ thường xảy ra bất ngờ, không để lại nhiều dấu hiệu cảnh báo. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về nguy cơ này là vô cùng quan trọng, nhất là trong những ngày đông lạnh giá. Giữ ấm cơ thể, kiểm soát bệnh lý nền và nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường có thể cứu sống bạn hoặc người thân trong gang tấc. Đừng để sự chủ quan khiến bạn phải trả giá đắt! Hãy cùng tìm hiểu cách bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ đột quỵ trong mùa lạnh qua bài viết này. Vì sao trời lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ? Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến cơ thể con người theo nhiều cách, đặc biệt đối với hệ tim mạch và hệ tuần hoàn. Dưới đây là những nguyên nhân chính giải thích tại sao nguy cơ đột quỵ lại tăng cao khi nhiệt độ giảm: Co thắt mạch máu: Khi trời lạnh, cơ thể phản ứng bằng cách co thắt mạch máu để giữ ấm, làm tăng huyết áp đột ngột. Tăng độ nhớt máu: Nhiệt độ lạnh khiến máu trở nên nhớt hơn, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Tăng gánh nặng cho tim: Môi trường lạnh làm tim hoạt động vất vả hơn để đảm bảo cung cấp đủ oxy và chất dịnh dưỡng cho cơ quan. Giảm lưu thông máu: Một lối sống ít vận động trong mùa đông khiến nguy cơ mỡ máu tăng cao, đây là yếu tố nguy hiểm gây hình thành cục máu đông. Ai là nhóm đối tượng nguy cơ cao? Người cao tuổi: Sức đề kháng giảm dần theo tuổi tác kèm với tốc độ lão hoá của cơ quan tim mạch. Nguy cơ đặc biệt cao ở người trên 60 tuổi, nhất là khi có bệnh nền như tăng huyết áp hay bệnh đái tháo đường. Người bị tăng huyết áp: Huyết áp dễ tăng cao đột ngột khi mạch máu co thắt do nhiệt độ thấp, điều này tăng nguy cơ vỡ nổi mạch và đột quỵ. Người bệnh tim mạch và đái tháo đường: Thời tiết lạnh gây thêm gánh nặng cho tim, đặc biệt ở những người đã bị suy tim hoặc nhồi máu cơ tim trước đó. Người hút thuốc lá và sử dụng rượu bia: Thuốc lá và rượu bia khiến cơ thể dễ gây co thắt mạch máu, tăng nguy cơ cao hình thành cục máu đông. Người ít vận động:Máu được lưu thông kém, kèm theo nguy cơ béo phì, tăng mỡ máu đã khiến tình trạng nguy hiểm hơn. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ sớm Yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể: Có thể không nâng được tay, chân một bên hoặc cảm giác tê liệt. Méo miệng hoặc khó nói: Lời nói không rõ ràng, không hiểu được lời nói của người khác. Chóng mặt, mất thăng bằng: Kèm theo buồn nôn hoặc đau đầu dữ dội xảy ra đột ngột, không rõ nguyên nhân. Cách phòng tránh nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh Giữ ấm cơ thể: mặc đủ ấm, đầy đủ khi ra ngoài, nhất là vào buổi sáng sơm và tối muộn., giày tất, khăn quàng, găng tay nên được sử dụng khi nhiệt độ bắt đầu xuống thấp. Kiểm soát bệnh lý nền: thường xuyên đo huyết áp, đường huyết và duy trì liệu trình điều trị của bác sĩ. Lối sống lành mạnh: bổ sung chất dinh dưỡng, giảm lượng muối và chất béo động vật trong chế độ ăn, tập luyện thể dục đều đặn nhưng tránh tập ngoài trời khi nhiệt độ xuống quá thấp. Hạn chế rượu bia và thuốc lá: Loại bỏ rượu bia và thuốc lá giúp giảm tác nhân gây co thắt mạch máu. Mùa lạnh không chỉ mang đến cảm giác dễ chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn cho sức khỏe, đặc biệt là đột quỵ – căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra bất ngờ và để lại hậu quả nghiêm trọng. Việc nhận thức rõ mối nguy từ thời tiết, đặc biệt đối với người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, là bước đầu tiên để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Giữ ấm cơ thể, duy trì lối sống lành mạnh, và theo dõi sức khỏe định kỳ là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ đột quỵ. Đừng chờ đến khi xảy ra sự cố mới tìm cách đối phó. Hãy hành động ngay hôm nay để tránh những hậu quả đáng tiếc, bởi sức khỏe của bạn luôn là tài sản quý giá nhất./.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...