6 2 banner2 1

Một số dấu hiệu dễ nhận biết khi mắc bệnh Đái tháo đường

Thứ năm - 13/06/2024 05:53
Một số người không biết mình bị bệnh, đến khi bệnh nặng hoặc có nhiều biến chứng thì mới phát hiện ra. Vì vậy, khi cảm thấy có những dấu hiệu nghi ngờ nên chủ động đến khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để kiểm tra và phòng ngừa bệnh từ sớm.
Bệnh đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định. Nếu bị đái tháo đường mà bạn kiểm soát được lượng đường trong máu và thường xuyên theo dõi tốt thì chắc chắn lượng đường nằm trong mức an toàn gần như người bình thường.
 
XN đái tháo đường
Xét nghiệm máu để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường

Hầu hết các triệu chứng ban đầu của bệnh đái tháo đường là mức glucose trong máu cao hơn bình thường. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường có thể từ rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng gì. Một số người không biết mình bị bệnh, đến khi bệnh nặng hoặc có nhiều biến chứng thì mới phát hiện ra. Vì vậy, khi cảm thấy có những dấu hiệu dưới đây thì nên chủ động đến khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để kiểm tra và phòng ngừa bệnh từ sớm.
Liên tục khát nước: Bạn khát nước và uống nước khá nhiều nhưng cảm giác khát nước vẫn còn. Đó là do khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể bạn sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước nhiều.
Đi tiểu nhiều lần trong ngày: Nếu số lần bạn đi tiểu trong một ngày lớn hơn số 7, có thể bạn đã bị đái tháo đường. Nguyên nhân là do cơ thể bạn muốn loại bỏ lượng đường dư thừa, thận hoạt động mạnh hơn nên sẽ đi tiểu nhiều hơn.
Sụt cân bất thường: Cơ thể chúng ta giống như một cỗ máy vậy, cơ thể cần nhiên liệu để hoạt động. Và nhiên liệu chính cho cơ thể là đường (glucose). Sụt cân do mất nhiều glucose qua nước tiểu. Đái tháo đường khiến cơ thể không thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, nó buộc phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân.
Đói và mệt mỏi: Khi cơ thể bạn không thể hấp thu lượng đường cần thiết trong máu để giải phóng năng lượng do sự thiếu hụt insulin, đường sẽ bị tích trữ một cách dư thừa trong máu và ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nhu cầu nạp thức ăn để lấy thêm năng lượng của cơ thể sẽ tăng cao để bù lại phần năng lượng bị thiếu, dẫn đến cảm giác đói và mệt mỏi thường xuyên.
Dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm: Lượng đường trong máu cao và hệ thống miễn dịch (cơ chế tự bảo vệ của cơ thể) bị ức chế, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng và nấm. Chính vì vậy, người bị đái tháo đường thường cảm thấy ngứa trên cơ thể, đặc biệt ở bộ phận sinh dục.
Thị lực yếu đi: Lượng đường trong máu cao sẽ phá hủy mao mạch ở đáy mắt dẫn tới xuất huyết, phù nề đặc biệt phù ở hoàng điểm sẽ làm giảm thị lực mặc dù trước đó bạn không bị các bệnh về mắt.
Ngoài ra, các triệu chứng khác như vết thương chậm lành hay chân tay bị tê hoặc ngứa rân rân như kiến bò cũng có thể là dấu hiệu mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, dù cơ thể bạn chưa có biểu hiện bất thường nào, bạn vẫn có thể bị bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn nên có lịch khám sức khỏe định kỳ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập luyện hợp lý để phòng ngừa đái tháo đường ngay từ hôm nay.
                                                                                                  Châu Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây