Bệnh tim mạch đang có chiều hướng gia tăng ở người trẻ tuổi; Xuất hiện nhiều ở những người tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Một số yếu tố sức khỏe có nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch: Tăng huyết áp; Đái tháo đường; Suy thận; Rối loạn mỡ máu; Thừa cân, béo phì; Ô nhiễm môi trường; Ít vận động thể lực; Chế độ ăn uống không lành mạnh; Yếu tố di truyền; Lạm dụng rượu bia; Hút thuốc lá,...
Ngày Tim mạch Thế giới (World Heart Day) được Liên đoàn Tim mạch Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới thống nhất tổ chức vào ngày 29/9 hàng năm để kêu gọi sự chú ý của cộng đồng, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông.
Ngày Tim Mạch Thế Giới 29.9.2024 năm nay với chủ đề “Ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim”. Trái tim và chỉ số huyết áp vốn dĩ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Một trái tim bị bệnh sẽ biểu hiện qua con số huyết áp thay đổi thất thường. Và ngược lại huyết áp vượt ngưỡng an toàn sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tim mạch. Số liệu thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy: 90% trường hợp suy tim có tiền sử tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp có nguy cơ suy tim tăng gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở nữ giới so với những người có huyết áp bình thường. Việc ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Kiểm soát tốt huyết áp sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hãy duy trì lối sống lành mạnh và tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế khi cần thiết để duy trì sức khỏe tim mạch tốt.
Các biện pháp để ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch bao gồm:
Chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy nhớ rằng những gì bạn ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Hạn chế muối, đường, chất béo bão hòa, và tăng cường ăn rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, cùng các loại hạt là cách tốt nhất để bảo vệ trái tim.
Tập thể dục đều đặn: Thực hiện tập luyện thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày để phòng chống các bệnh lý tim mạch.
Kiểm soát cân nặng: Đối với những người có thừa cân hoặc béo phì, giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên hệ tim mạch và huyết áp.
Tránh stress, căng thẳng lo âu: Thực hiện yoga, thiền, tập luyện thể dục, và tìm kiếm cách thư giãn để giảm stress.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Đừng chờ đến khi có triệu chứng mới đi khám. Việc kiểm tra huyết áp, mức mỡ máu cholesterol, và đường huyết định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Bỏ thuốc lá: Đây là một trong những quyết định quan trọng nhất bạn có thể làm cho sức khỏe tim mạch của mình. Hút thuốc không chỉ gây hại cho tim mà còn cho cả phổi và toàn bộ cơ thể.
Giảm căng thẳng: Cuộc sống hiện đại dễ dàng khiến chúng ta rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Hãy tìm cách thư giãn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tham gia các hoạt động như thiền, yoga để giữ cho tinh thần luôn thoải mái.
Ngày Tim Mạch Thế Giới là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của sức khỏe tim mạch. Bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, mỗi người trong chúng ta có thể góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, bảo vệ bản thân và gia đình. Hãy để mỗi ngày 29 tháng 9 là một cột mốc để chúng ta cùng nhau bắt đầu hoặc tiếp tục hành trình chăm sóc trái tim – để sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, và hạnh phúc hơn. Hãy khỏe mạnh bắt đầu từ trái tim./.