Cảnh giác với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thứ ba - 14/11/2023 22:23
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) dường như đang ngày càng gia tăng ở nước ta. Đây là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở.
Bệnh COPD không lây lan và thường xảy ra ở các đối tượng: Nam giới tuổi lớn hơn 40; Những người hút thuốc lá, thuốc lào; Tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi nghề nghiệp; Tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khói bếp than; Bị nhiễm khuẩn hô hấp khi còn nhỏ. Trong đó, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của COPD. Hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá do người khác hút) cũng có thể tăng nguy cơ COPD.
COPD

COPD ảnh hưởng nghiêm trọng lên chất lượng cuộc sống bệnh nhân, hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày, từ nhẹ đến nặng có thể:
- Ho, khạc đờm mỗi sáng
- Khó thở khi gắng sức
- Lo lắng, mỏi mệt
- Giảm các hoạt động
- Suy giảm chức năng các cơ quan
- Khó thở ngay cả khi không phải gắng sức nhiều
- Tiếp tục giảm hoạt động và suy thoái chức năng
- Suy hô hấp và tử vong trong một đợt kịch phát của bệnh COPD

Làm thế nào để nhận biết bệnh COPD ?
- Để chẩn đoán chắc chắn COPD, phải đo chức năng phổi. Bệnh nhân thổi qua một máy đo gọi là Hô hấp kế (máy đo chức năng hô hấp). Máy sẽ cho biết bệnh nhân có bị tắc nghẽn hay không.
- COPD thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao và có các triệu chứng ban đầu là ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức, nên đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và kiểm tra chức năng phổi.
Nên làm gì nếu bạn bị COPD?
Không nên quá lo lắng vì bạn không phải là người duy nhất mắc bệnh này. Hiện nay, bác sĩ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh COPD, nhưng có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.
Những lời khuyên cho bệnh nhân mắc bệnh COPD
- Hãy đến bác sĩ ngay khi bạn có dấu hiệu mắc bệnh: ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng. Hãy đo chức năng hô hấp để xác định xem liệu bạn có mắc COPD hay không.
- Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn cần đến khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh.
- Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu bạn là người hút thuốc lá, thuốc lào. Hãy yêu cầu bác sĩ giúp đỡ việc bỏ thuốc. Tránh xa nơi có nhiều người hút thuốc và những vật dụng liên tưởng đến thuốc lá. Dùng thuốc hỗ trợ cai thuốc nếu cần.
- Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.
- Luyện tập, giữ cho thân thể khoẻ mạnh. Tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
- Vệ sinh mũi họng thường xuyên.
- Nếu bạn bị COPD mức độ nặng, hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khoẻ cho phép. Làm mọi việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản; chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.
- Đến bệnh viện hay gặp bác sĩ ngay nếu tình trạng của bạn xấu đi.
- Cần chuẩn bị sẵn số điện thoại của bác sĩ, bệnh viện mà bạn có thể đến ngay được, danh sách các thuốc bạn đang dùng.
- Đi cấp cứu ngay nếu bạn có dấu hiệu nguy hiểm sau đây: nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng, thở vẫn gấp và khó.
 

COPD là một bệnh mạn tính. Các triệu chứng của COPD đôi khi được cải thiện khi một người ngừng hút thuốc, dùng thuốc thường xuyên, và/ hoặc tham gia phục hồi chức năng phổi. Tuy nhiên, phổi vẫn bị hư hại và không bao giờ có thể hoàn toàn trở lại bình thường. Khó thở và mệt mỏi có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng mọi người có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và tiếp tục sống một cuộc sống trọn vẹn.


                                                                                                                                                                Thanh Trà
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây