Phòng và tẩy giun cho trẻ

Thứ năm - 24/08/2023 22:52
Trẻ em thường hiếu động, hay bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay, có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn… Vì vậy trẻ rất dễ bị nhiễm các loại giun như: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim…, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn.
1. Tác hại của việc nhiễm giun
Nhiễm giun, trẻ bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Mặt khác, khi ăn vào còn phải chia bớt phần thức ăn cho giun nên các trẻ bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác. Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột hay ở các trẻ gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.
giun san

2. Cách tẩy giun cho trẻ đúng cách
Lứa tuổi được khuyến cáo bắt đầu được tẩy giun là từ 24 tháng trở lên. Tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn, 1 tuổi cũng có thể tẩy giun được nhưng phải chọn loại thuốc thích hợp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
tay giun

3. Các biện pháp phòng ngừa
Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh giun sán bởi các em chưa thực sự ý thức được việc giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, mặt khác sức đề kháng kém hơn so với người lớn. Vì vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh giun sán cũng như cách phòng tránh bệnh cần phải được quan tâm. Đây là một trong những việc quan trọng trong vấn đề chăm sóc giáo dục trẻ, các  giáo viên trong nhà trường thường xuyên tuyên truyền về hiệu quả của việc tẩy giun, nhắc nhở trẻ rửa tay khoa học, cách ăn uống đảm bảo vệ sinh. 
Tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho trẻ ăn.
  • Vệ sinh ăn uống: nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.
  • Vệ sinh thân thể: thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần trẻ đi tiêu, không cho trẻ đi tiêu bừa bãi, không để trẻ ở truồng hay mặc quần xẻ đáy.
  • Ở nông thôn, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước. Không để trẻ bò lê la, nghịch đất cát.
  • Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống thuốc tẩy giun một lần và nhắc lại sau đó 3 tuần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.
Cần khám và xét nghiệm giun sán định kỳ
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh và phát hiện sớm bệnh, chúng ta nên tiến hành xét nghiệm giun sán định kỳ mỗi năm từ 1 – 2 lần, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, vẫn chưa có ý thức bảo vệ cơ thể trong vấn đề vệ sinh hằng ngày. Hiện nay có 2 phương pháp chẩn đoán giun sán là xét nghiệm máu và xét nghiệm phân. Tuy nhiên, cũng tuỳ trường hợp bệnh để các bác sĩ có thêm nhiều chỉ định khác. 

Bắt đầu từ tháng 02/2023, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã triển khai dịch vụ khám chẩn đoán và điều trị các bệnh về giun sán như: Sán lá gan lớn, các loại sán dây, kén giun đũa chó/mèo, giun lươn, giun kim...
Khi nghi ngờ mắc các bệnh do giun sán nêu trên, hãy đến Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được khám chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời. Địa chỉ: Tòa nhà CDC, 118 Lê Đình Lý, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Anh Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây