Trong thời gian gần đây, số ca bệnh tay chân miệng tại một số tỉnh phía Nam tăng cao, đáng lưu ý có nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, lọc máu. Hiện đã ghi nhận bệnh nhân mắc chủng Enterovirus 71 (EV 71) gây nhiều biến chứng nặng, nguy hiểm. Do vậy các bậc phụ huynh có con nhỏ cần theo dõi trẻ, nếu nghi ngờ trẻ có các dấu hiệu của bệnh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng.
Tháng 6 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là sự xuất hiện loại virus gây biến chứng nặng. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống. Tại Đà Nẵng, tay chân miệng mặc dù chưa tăng đột biến, tuy nhiên theo khuyến cáo của các bác sĩ, phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh cho trẻ, bởi bệnh tay chân miệng hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, công tác giám sát từ các đơn vị, địa phương ghi nhận, số ca mắc tay chân miệng hiện nay vẫn chưa có sự đột biến. Báo cáo của CDC Đà Nẵng, trong tuần 24 (từ 12/6/2023 đến hết ngày 18/6/2023), toàn thành phố ghi nhận 30 ca mắc tay chân miệng, tăng 13 ca so với tuần trước. Số ca tăng nhiều ở Hòa Vang, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Cộng đồn từ đầu năm đến ngày 18/6, toàn thành phố ghi nhận 288 ca, bằng 47% so với cùng kỳ 2022 (731 ca). Mỗi ngày Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị gần 20 bệnh nhi mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố và chuyển từ các địa phương khác đến. Theo bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tay chân miệng là bệnh xuất hiện theo chu kỳ hằng năm. Trẻ từ 1-5 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Tay chân miệng là bệnh diễn biến nhanh theo từng giờ nên rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Triệu chứng của tay chân miệng là biếng ăn, chảy nước dãi, sốt, phát ban tay chân, đầu gối. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, đây là bệnh phát triển theo mùa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Bộ Y tế đang khuyến cáo số ca mắc tay chân miệng gia tăng và có sự xuất hiện của chủng virus mới nên các đơn vị, địa phương không chủ quan và người dân cần chủ động, trang bị kiến thức để bảo vệ con, em mình. Hiện tại, CDC Đà Nẵng đã gửi công văn cho các đơn vị, địa phương chủ động triển khai phòng, chống tay chân miệng, sẵn sàng hóa chất, trang thiết bị để tiếp nhận, thu dung điều trị. Tay chân miệng phát triển theo mùa, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên sự chủ động của phụ huynh, người dân là hết sức cần thiết. Cần vệ sinh nhà cửa, trường học, những khu vực trẻ hay tiếp xúc hằng ngày. Chăm sóc, vệ sinh chân tay, thực hiện ăn sạch, uống sạch, bổ sung dinh dưỡng tăng đề kháng cho trẻ. Hiện nay nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhẹ vẫn có thể điều trị, theo dõi ở nhà, tuy nhiên cần chuyển đến cơ sở y tế gấp nếu nhận thấy các biểu hiện, triệu chứng trở nặng của trẻ. Theo các bác sỹ, “Thời tiết nắng nóng nên sức đề kháng trẻ sẽ bị yếu đi, vì thế phụ huynh cần phải chủ động hơn trong việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe con, em mình. Ngành y tế cũng đề nghị các đơn vị, địa phương, nhất là các trường học, nhóm trẻ gia đình chủ động, nâng cao nhận thức phòng, chống tay chân miệng bằng các biện pháp hết sức thông thường, đó là vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt những khu vực trẻ hay tiếp xúc. Khi ghi nhận trẻ mắc tay chân miệng cần xử lý đúng quy trình hướng dẫn của y tế, không để xuất hiện ổ dịch lây lan cho các trẻ khác”. Theo các bác sỹ nhận định, không giống như các năm trước, năm nay số ca bệnh mắc tay chân miệng chuyển nặng nhanh, đặc biệt Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã phân lập được chủng EV 71, chủng này gây nhiều biến chứng nặng. Do vậy các bậc phụ huynh cần theo dõi, sớm nhận biết dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.
Nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh để kịp thời điều trị cho trẻ Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ gồm: trẻ bị nổi bóng nước ở tay chân, ở mông gối, lở miệng ăn không được, sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, nhợn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt, trẻ ngủ bị giật mình. Bệnh tay chân miệng được phân làm 4 độ, trong đó độ 1 có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi thấy con có những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa con đi khám để bác sĩ phân loại và phải tái khám hàng ngày để bác sĩ đánh giá khung độ hàng ngày, nếu trẻ chuyển độ cao hơn bác sĩ sẽ cho nhập viện để theo dõi và điều trị. Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Người chăm trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để phòng bệnh cho trẻ và giữ vệ sinh tay cho trẻ. Phụ huynh cần tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C. Phước An