Người dân chủ động đi tiêm vắc-xin phòng chống dịch Covid-19
Thứ năm - 30/06/2022 23:06
Hiện nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, với số ca mắc giảm nhanh trong nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Có được kết quả ấy là sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, vắc xin phòng COVID-19 chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ tháng 4/2021. Tính đến ngày 31/5/2022, số người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 2 đạt tỉ lệ 99,54%, liều bổ sung đạt 83,31%, liều nhắc lại đạt 72,44%; trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 2 đạt 97,88%; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 mới đạt 29,62% với 25.934 trẻ đã tiêm (trong đó có 87.544 trẻ đủ điều kiện tiêm vắc xin). Tỷ lệ tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19 tại Tp. Đà Nẵng trong 6 tháng (từ tháng 12.2021 đến đầu tháng 6.2022) là 65,21%.
Một điểm tiêm chủng trên địa bàn quận Thanh Khê
Theo ghi nhận trước đó, công tác tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Dân số trên địa bàn thành phố có nhiều biến động, nhiều trường hợp đi làm việc ở các tỉnh, thành phố khác, hoặc các trường hợp ngoại tỉnh quay về Đà Nẵng làm việc sau khi tình hình dịch ổn định, điều này gây khó khăn trong công tác thống kê đối tượng tiêm chủng; hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chưa hỗ trợ tốt trong việc trích xuất số liệu báo cáo theo các biểu mẫu quy định của Bộ Y tế… Còn nhiều người dân chưa hiểu rõ hết về lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc chủ quan cho rằng đã tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1, mũi 2), hoặc đã mắc COVID-19 thì không cần tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4), thậm chí có người cho rằng vắc xin phòng COVID-19 gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, hoặc đây là dịch bệnh có triệu chứng nhẹ nên không cần tiêm vắc xin; hoặc tâm lý của phụ huynh vẫn còn e ngại khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ. Vì vậy khi đã tới thời hạn tiêm mũi 3, mũi 4, dù được tuyên truyền vận động và được mời đi tiêm nhưng người dân từ 18 tuổi trở lên chưa đi tiêm mũi 3, tỷ lệ trẻ tiêm đủ liều cơ bản và tỷ lệ người dân tiêm mũi 4 tại Đà Nẵng còn rất thấp.
Với việc xem công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, ngày 09.6.2022, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 cho người dân và sẽ kéo dài cho đến khi hoàn thành xong việc bao phủ toàn dân. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của vắc xin trên các phương tiện thông tin đại chúng, CDC cũng đã triển khai cán bộ về đứng điểm tại cơ sở, qua đó ghi nhận khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị và có kiến nghị Sở Y tế tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện tích cực vận động người dân đi tiêm ở các điểm tiêm trên địa bàn thành phố.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong thời gian gần đây, người dân đã thay đổi nhận thức về lợi ích của việc tiêm vắc xin trong phòng chống dịch COVID-19, nhất là tiêm các mũi bổ sung, nhắc lại. Cùng với tâm lý lo ngại biến chủng mới xuất hiện, nên số lượng người dân Đà Nẵng đi tiêm vắc xin COVID-19 tăng nhanh chóng, đặc biệt là 2 ngày cuối tháng 6/2022. Nhiều người dân đã chủ động đến các điểm tiêm tại trạm y tế phường, xã; trung tâm y tế quận, huyện để tiêm mũi 3, 4 vắc xin nhằm tăng cường hơn nữa hệ miễn dịch của cơ thể. Lượng vắc xin phân bổ cho các quận huyện khá nhiều, nhưng đến chiều ngày 30/6/2022 hầu như các điểm tiêm đều đã tiêm hết. Các cán bộ y tế ở tất cả các quận huyện đã làm việc với công suất 200% trong những ngày này. Có nhiều điểm tiêm phải làm việc không nghỉ trưa và tận đến chiều tối. Công tác tiêm chủng được trung tâm y tế các quận, huyện và trạm y tế các phường, xã tổ chức theo đúng quy định của Bộ Y tế, từ bàn khám sàng lọc, bàn ghi chép, bàn tiêm, đến phòng theo dõi sau tiêm. Ngoài ra, lực lượng xử lý sự cố sau tiêm luôn trong tình trạng sẵn sàng tiếp nhận, xử lý những trường hợp có phản ứng.
Người dân đã thay đổi nhận thức và chủ động đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Anh Nguyễn Mậu S. phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cho biết: “Dịch Covid-19 vẫn còn nguy hiểm, vì vậy tiêm vắc xin là bảo vệ cho chính mình nên mình phải đi tiêm khi đến lịch tiêm nhắc lại”.
Còn anh Phan Trọng B. phường Vĩnh Trung có con trong độ tuổi 12 đến 17 thì cho rằng: “Tôi nghĩ lợi ích của tiêm vắc xin dự phòng các bệnh dịch truyền nhiễm nói chung, dịch COVID-19 nói riêng đã quá rõ. Nên tôi dẫn con tôi đi tiêm để có sự miễn dịch, an tâm hơn khi cơ thể được bảo vệ trước các biến chủng mới..."
Các nghiên cứu đã chứng minh, vắc xin phòng COVID-19 giúp cơ thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, nếu có lây nhiễm thì sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng và tử vong. Tuy nhiên, miễn dịch sau tiêm chủng hoặc sau mắc COVID-19 là miễn dịch không bền vững. Người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã mắc COVID-19 sau khoảng 3 tháng thì miễn dịch phòng bệnh bắt đầu giảm sút nên sẽ có nguy cơ mắc COVID-19 trở lại. Trong khi, dịch bệnh COVID-19 luôn xuất hiện các biến chủng mới. Do đó, khi tiêm mũi nhắc lại sẽ giúp nâng cao hệ thống miễn dịch phòng bệnh của cơ thể. Nếu nhiều người dân không tiêm mũi nhắc lại thì dịch bệnh COVID-19 hoàn toàn có thể bùng phát trở lại.
Trước sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-COV-2, dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Đòi hỏi, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Với tinh thần “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19”, mọi người dân hãy chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch…/.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...