BỆNH VIỆN ĐÀ NẴNG: CỨU SỐNG BỆNH NHÂN NGỪNG THỞ HƠN 20 PHÚT NHỜ QUY TRÌNH BÁO ĐỘNG ĐỎ
Thứ sáu - 22/05/2020 04:25
Thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ khoa Hồi sức chống độc của bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn hơn 20 phút do đuối nước nhờ kích hoạt quy trình “báo động đỏ” và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt.
Thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ khoa Hồi sức chống độc của bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn hơn 20 phút do đuối nước nhờ kích hoạt quy trình “báo động đỏ” và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt.
Khoảng 19 giờ ngày 8/5, khoa Hồi sức chống độc - Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận du khách Phạm Mạnh Q. (28 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, toàn thân tím tái, khí máu toan hóa rất nặng. Anh Q. đến Đà Nẵng du lịch, trong lúc tắm biển thì bị dòng nước xoáy nhấn chìm hơn 3 phút. Những người có mặt tại hiện trường tiến hành cấp cứu ngưng tuần hoàn 15 phút và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Lúc này, khoa Hồi sức chống độc đang có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy, lọc máu. Ngoài ra, các bác sĩ còn đang tiến hành can thiệp 3 ca ECMO (tim phổi nhân tạo) cho 3 bệnh nhân nguy kịch khác. Trước tình hình khẩn cấp đó, khoa Hồi sức chống độc đã kích hoạt quy trình “báo động đỏ”. Đây là quy trình có sự phối hợp chặt chẽ của các khoa liên quan như khoa Khám bệnh-Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Đột quỵ, Ngoại Thần kinh, Xét nghiệm, Cận lâm sàng. Khi được kích hoạt, sẽ giúp xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, cứu sống được bệnh nhân, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Theo Bs.CKII Hà Sơn Bình, phụ trách khoa Hồi sức chống độc: “Việc kích hoạt quy trình “báo động đỏ” nhằm tối ưu nguồn lực (yêu cầu đội phản ứng nhanh trực chiến dự phòng của khoa phải có mặt ngay tại bệnh viện trong thời gian sớm nhất) và thời gian vàng để phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp, cứu sống bệnh nhân. Nhờ vậy, mà tập thể y bác sĩ bệnh viện đã cứu sống ngoạn mục rất nhiều trường hợp”.
Ngay khi quy trình báo động đỏ được kích hoạt, lập tức, đội phản ứng nhanh trực chiến dự phòng của khoa đã có mặt tại bệnh viện và quyết định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ bệnh nhân khỏi tổn thương não.
(Bệnh nhân Q. lúc đang điều trị)
Đây là kỹ thuật mới được áp dụng thành công tại bệnh viện Đà Nẵng thời gian gần đây, giúp tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh mà không để lại bất cứ di chứng thần kinh đáng tiếc nào. Đầu tiên, các bác sĩ tiến hành hạ nhiệt độ bệnh nhân xuống 330C trong 24 giờ đầu nhằm bảo vệ não. Sau đó, nhiệt độ được nâng dần lên cho tới khi nhiệt độ cơ thể về mức bình thường.
Việc ngừng tim chỉ 3 phút nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Hoặc nếu được cứu sống thì có thể để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Ở mức độ nhẹ có thể gây mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh, nặng hơn là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật). Chính vì thế, kỹ thuật hạ thân nhiệt giống như cho bệnh nhân “ngủ đông” nhằm giảm quá trình chuyển hóa của não, giảm tình trạng tổn thương não, cung cấp oxy tốt hơn, từ đó bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương, chức năng não bộ ở những bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân Q. tỉnh, cải thiện tri giác nên được rút máy thở, tập phục hồi chức năng. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có thể đi lại, sức khỏe ổn định và đã xuất viện.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...