Bộ Y tế: Tuyệt đối không sử dụng thuốc sốt rét để điều trị, dự phòng COVID-19
Thứ tư - 25/03/2020 03:46
Mới đây, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (Hà Nội ) đã điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc Chloroquin để phòng bệnh COVID-19 theo lời đồn trên mạng internet.
Mới đây, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (Hà Nội ) đã điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc Chloroquin để phòng bệnh COVID-19 theo lời đồn trên mạng internet.
Theo lời kể của người nhà, vào khoảng 12h ngày 7/3/2020, bệnh nhân V.V.T (nam 43 tuổi, quê ở Đan Phượng, Hà Nội) đã tự uống 10 viên thuốc chloroquin 250mg để phòng dịch COVID-19. Sau uống khoảng 30 phút, anh T. thấy da mặt đỏ, cảm giác nóng, kèm theo mệt mỏi tăng dần, run tay chân, nhìn mờ. Anh T. được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Đan Phượng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do người dân tự uống với mục đích phòng COVID-19. Cũng may bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đã không để lại hậu quả đáng tiếc.
Tự uống thuốc chứa chloroquin/hydroxychloroquin phòng COVID-19 có thể gây chết người
Theo Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (Công văn số 2768/QLD-GT ngày 23/3/2020): Việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/ hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng COVID-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/ hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc để phòng ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tỉnh, diệt amíp ngoài ruột, điều trị viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phản ứng dị ứng với ánh sáng (da nhạy cảm với ánh sáng), chưa có chỉ định để điều trị, dự phòng COVID-19.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc không được tăng giá bán; không găm hàng, tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường đối với các thuốc có chứa hoạt chất chloroquin/ hydroxychloroquin và các thuốc khác trong danh mục thuốc phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: "Ngộ độc chloroquin rất nguy hiểm, biểu hiện là mờ mắt, mù, ù tai, điếc, co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và dễ tử vong nhanh. Khi đã ngộ độc thực sự, một cơ sở y tế nếu không đảm bảo tốt về hồi sức cấp cứu cũng khó có thể cứu sống bệnh nhân".
Tự ý sử dụng Chloroquine gây hại cho sức khỏe.
Theo quy định của Bộ Y tế, một thuốc kê theo đơn có nghĩa là chỉ khi bác sĩ khám bệnh, kê đơn thuốc đó thì bệnh nhân mới được tới hiệu thuốc trình đơn thuốc để mua, đồng thời phải có đơn của bác sĩ thì hiệu thuốc mới được phép bán theo đơn đó. Với thuốc kê theo đơn thì người dân không thể tự mua hoặc hiệu thuốc không thể tự bán nếu không có đơn. Người dân không được tự mua, không tự dùng thuốc này
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua, tích trữ và sử dụng thuốc điều trị sốt rét chứa chloroquin/ hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng COVID-19. Các cơ quan quản lý cũng đang tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hiệu thuốc bán các thuốc thuộc diện kê theo đơn mà không có đơn của bác sĩ. Trong tình hình hiện nay, điều đúng đắn là người dân cần bám sát các hướng dẫn của cơ quan y tế và cũng như hệ thống quản lý của đất nước để có các hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời, đúng đắn.
Việc bất kỳ biện pháp nào có tác dụng cụ thể đến đâu và áp dụng như thế nào là trách nhiệm và chuyên môn của ngành y. Các chuyên gia y tế trong nước đang luôn theo dõi và biết những phác đồ và kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới về vấn đề này. Người dân yên tâm là Bộ Y tế cùng cả ngành y luôn cập nhật tình hình và đảm bảo phác đồ chẩn đoán và điều trị COVID-19 được tốt nhất.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...