6 2 banner2 1

KHUYẾN CÁO ĐIỀU TRỊ MỚI ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SỐNG VÀ HẠN CHẾ TỐI ĐA TỬ VONG VÌ BỆNH HEN

Thứ hai - 04/05/2020 03:52
Ngày Hen toàn cầu 05/5/2020 năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Tổ chức Sáng kiến toàn cầu vì bệnh nhân hen tuyên bố chủ đề 2020 vẫn là: “ Hạn chế tối đa người tử vong vì bệnh hen”.
     Ngày Hen toàn cầu 05/5/2020 năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Tổ chức Sáng kiến toàn cầu vì bệnh nhân hen tuyên bố chủ đề 2020 vẫn là: “ Hạn chế tối đa người tử vong vì bệnh hen”. Hướng tới mục tiêu của điều trị bệnh hen hiện nay là: làm giảm tần số, mức độ nặng của các cơn hen và chế ngự cơn để đảm bảo bệnh nhân có sự thoải mái tối đa. Mặt khác cũng chú ý đến việc giảm tử vong do hen cấp tính nặng. Phát đồ điều trị hiện nay dựa trên nhiều quan điểm của quốc gia và quốc tế. Để an toàn, Tổ chức sáng kiến toàn cầu vì bệnh nhân hen (GINA) khuyến cáo: để làm giảm nguy cơ các cơn kịch phát nặng, tất cả người lớn và thiếu niên bị hen nên được cho điều trị có corticosteroid hít (ICS) tùy theo triệu chứng ngay cả hen nhẹ hoặc có thể dùng hàng ngày.
     Hiện nay chẩn đoán hen dựa vào 4 yếu tố sau:
1. Tiền sử bản thân, gia đình có bệnh dị ứng như chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng, hoặc đã được chẩn đoán hen.
2. Cơn ho khò khè, khó thở, nặng ngực thường xuất hiện về đêm, tái phát nhiều lần nhất là khi có tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi thay đổi thời tiết. Khi dùng thuốc giãn phế quản thì cơn cải thiện hoặc hết cơn.
3. Nghe phổi trong cơn khó thở có ran rít ran ngáy.
4. Đo lưu lượng đỉnh (PEF) ở những nơi có điều kiện trang bị dụng cụ đo (peak flow meter): PEF tăng bằng hoặc trên 20% so với trước khi dùng thuốc hoặc PEF thay đổi sáng - chiều bằng hoặc trên 20%, gợi ý chẩn đoán. Ngoài ra điều trị thử bằng thuốc kích thích bêta 2 và corticoide dạng hít có kết quả (lâm sàng đỡ khó thở, phổi bớt hoặc hết ran, PEF cải thiện) cũng là một chứng cớ để chẩn đoán hen.

     Việc công nhận vai trò của các hiện tượng gọi là “Viêm” và sự xuất hiện của các loại thuốc xông, hít trên thị trường là cơ sở chính cho việc phát triển những quan điểm điều trị hiện nay. Các thuốc kháng viêm được dùng ngay khi cần điều trị phòng ngừa thời gian dài, các thuốc có tác dụng kích thích Beta 2 dạng xông –hít tác dụng ngắn và có kèm Corticoide là những thuốc chính để kìm chế tức thời các triệu chứng.
     Chiến lược điều trị hen hiện nay là điều trị theo bậc thang. Việc điều trị trong thời gian dài phải phù hợp với độ nặng của hen và sự tiến triển của bệnh đối với mỗi bệnh nhân. Trong điều trị người ta chia 4 bậc theo phân loại hen và cách điều trị:
     Bậc 1: Hen nhẹ. Bệnh nhân không có khó chịu hay không có triệu chứng hơn ba lần mỗi tuần, hay hơn hai buổi tối mỗi tháng. Điều trị giới hạn thỉnh thoảng dùng một thuốc giãn phế quản kích thích Bêta 2 dạng xông hít tác dụng ngắn và phối hợp với Corticoide dạng hít nếu thấy cần thiết.
    Bậc 2 và 3: Hen vừa. Nếu triệu chứng xảy ra nhiều hơn cần điều trị phòng ngừa với thuốc kháng viêm dạng xông hít (Cromone; Corticoide liều thấp hay vừa). Trường hợp không kiểm soát được cơn hen thì dùng corticoide liều cao. Nếu cần thêm một hay nhiều thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
     Bậc 4: Hen nặng. Nếu triệu chứng xảy ra về đêm hay các cơn thường xuyên hơn mặc dù đã được điều trị như trước. Hay trong trường hợp hen có khó thở thường xuyên, hay phải hạn chế hoạt động do bệnh hen thì phải thêm Corticoide thời gian dài. Nếu bệnh nặng thêm lên dù ở giai đoạn nào cũng cần điều trị bằng corticoide giai đoạn ngắn. Nếu không có triệu chứng từ nhiều tháng thì phải thử trở lại điều trị ở bậc thấp hơn.
          Thông tin kỹ cho bệnh nhân về mức độ bệnh hen của họ và khuyến cáo điều trị này, sẽ tạo điều kiện cho việc tuân thủ điều trị tốt, đem lại lợi ích cho cả thầy thuốc và bệnh nhân. Mục đích cuối cùng là tăng chất lượng sống và giảm tối đa tử vong vì bệnh hen trên toàn cầu./.
Bs Thân Văn Chín-TTKSBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây