NĂM 2019 ĐÀ NẴNG KHÔNG GHI NHẬN BỆNH TRUYỀN NHIỄM NGUY HIỂM

Thứ sáu - 22/05/2020 03:22
Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2019, giao ban công tác phòng chống dịch 04 tháng đầu năm 2020 của ngành y tế thành phố Đà Nẵng.
Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch năm 2019, giao ban công tác phòng chống dịch 04 tháng đầu năm 2020 của ngành y tế thành phố Đà Nẵng.
          Năm 2019, Việt Nam không ghi nhận sự xâm nhập của các bệnh nguy hiểm mới nổi. Các dịch bệnh đang lưu hành tiếp tục được khống chế, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì được tỷ lệ tiêm chủng cao. Nước ta tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.
          Tại khu vực miền Trung, năm qua ghi nhận gần 80 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Bệnh Tay Chân Miệng có gần 13 ngàn ca mắc nhưng không có trường hợp nào tử vong. Đặc biệt, bệnh Ho gà nhiều năm liền không ghi nhận ca mắc, nay xuất hiện ở 6 tỉnh miền Trung với 37 ca, trong đó Đà Nẵng có 6 trường hợp.
          Tình hình tại Đà Nẵng, năm 2019, bệnh Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng và kéo dài so với năm 2018. Đặc biệt từ tháng 10 đến cuối năm, thời tiết bắt đầu có mưa và ít lạnh nên số ca mắc có dấu hiệu gia tăng nhanh, số ổ dịch nhỏ bắt đầu có dấu hiệu tập trung nhưng chưa bùng phát thành dịch lớn. Tính chung cả năm, toàn thành phố ghi nhận 8.732 trường hợp mắc, tăng 1,69 lần so với năm trước với hơn 900 ổ dịch nhỏ. Số ca tăng vẫn thấp hơn so với miền Trung (tăng 2,8 lần) và cả nước (hơn 3,0 lần). Bệnh Tay Chân Miệng có số ca mắc tương đối ổn định (1.909 ca). Bệnh sởi ghi nhận rải rác, các ổ dịch nhỏ được xử lý theo quy định, không để lây lan trên diện rộng. Một số dịch bệnh như Tả, Thương hàn, Bạch hầu, Adeno virus, Liên cầu lợn, Cúm A... không ghi nhận ca mắc. Riêng 06 ca mắc Ho gà đã được không chế kịp thời, không lây lan trên diện rộng.
 
250220
(Toàn cảnh hội nghị)

          Năm qua, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành tốt các hoạt động chuyên môn phòng chống dịch. Thực hiện giám sát, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh qua cửa khẩu. Tất cả các phương tiện vận tải, hàng hóa, con người qua cửa khẩu đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tình hình an ninh y tế tại cửa khẩu.
          Tại cộng đồng, tình hình dịch bệnh được quản lý, giám sát chặt chẽ, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Năm 2019, trên địa bàn thành phố không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và không có trường hợp tử vong do bệnh nguy hiểm.
          Tuy nhiên, năm nay với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, Đà Nẵng đã ghi nhận 06 trường hợp mắc SARS-CoV-2, trong đó có 03 trường hợp phát hiện tại cộng đồng (02 người Anh, 01 người Việt Nam) và 03 trường hợp được phát hiện tại các cơ sở cách ly tập trung ngay sau khi về từ nước ngoài (01 người Mỹ, 02 người Việt Nam). Hiện chưa có trường hợp tử vong do Covid-19 và cũng chưa có thêm trường hợp mắc nào tại thành phố.
          Các dịch bệnh khác không ghi nhận hoặc chỉ ghi nhận rải rác, chưa có dấu hiệu tập trung. Riêng bệnh Tay Chân Miệng và Sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay đều ghi nhận số ca mắc giảm so với cùng kỳ. 05 tháng đầu năm, toàn thành phố có hơn 1.000 ca mắc Sốt xuất huyết, số ca mắc tại các quận/huyện đều giảm trung bình 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh Tay Chân Miệng phát hiện hơn 100 ca mắc, giảm trung bình 5,26 lần so với cùng kỳ, trong đó số mắc vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi dưới 4 tuổi (57%).
          Năm 2020, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực được dự báo sẽ vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Riêng Đà Nẵng là thành phố có mật độ dân số cao, là trung tâm văn hóa xã hội của khu vực và cả nước, lại là đầu mối giao thông trong nước và cửa khẩu quốc tế nên dự báo các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, Tay Chân Miệng, Thủy đậu vẫn là dịch bệnh lưu hành tại địa phương. Một số bệnh có thể xuất hiện trên địa bàn thành phố do khoảng trống tiêm chủng và xâm nhập từ địa phương khác. Bên cạnh đó, nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, Cúm A, Ebola... từ các quốc gia khác đều có khả năng xâm nhập.
          Chính vì thế trong năm nay, ngành y tế thành phố đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Nhiều giải pháp đã được đưa ra từ tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các dịch bệnh, giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cửa khẩu đến tăng cường công tác chuyên môn để thu dung điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin truyền thông, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư y tế và tăng cường công tác phối hợp liên ngành để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Phan Yên
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tp. Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây