TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI CÁC KHU VỰC PHONG TỎA
Thứ bảy - 28/08/2021 08:11
Sáng ngày 28/8/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi cho các Trung tâm Y tế quận, huyện đề nghị phối hợp với Phòng Y tế quận, huyện tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực phong tỏa.
Mục đích nhằm tổ chức có hiệu quả các biện pháp phong tỏa tại các khu vực đang có dịch, không cho nguồn bệnh lây lan ra ngoài, đồng thời dập dịch triệt để nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
CDC đề nghị các địa phương thiết lập các khu phong tỏa đủ rộng, đảm bảo độ bao phủ, không để sót các trường hợp nguy cơ. Xây dựng bản đồ dịch tễ các khu vực đang phong tỏa và địa điểm có ca bệnh để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá tình hình dịch. Trong trường hợp đã hết thời gian phong tỏa mà vẫn ghi nhận ca mắc chưa được cách ly thì tùy theo kết quả điều tra dịch tễ, quyết định gia hạn thêm thời gian phong tỏa hoặc xác định lại khu vực cần được tiếp tục phong tỏa. Chỉ đạo tất cả các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực đang cách ly, phong tỏa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương. CDC hướng dẫn và đề nghị thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại các chốt kiểm soát, khu tập kết rác thải và trong khu vực phong tỏa. Đối với các chốt kiểm soát: Cần bố trí lực lượng canh gác thường xuyên. Tuyệt đối không cho người và phương tiện ra vào bên trong khu vực đang được phong tỏa (trừ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ có mang đồ bảo hộ theo hướng dẫn của Sở Y tế). Tuyệt đối không được đưa hàng hóa, vật dụng từ khu vực phong tỏa ra bên ngoài, những trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 địa phương và phải được khử khuẩn. Khuyến khích người dân và lực lượng làm nhiệm vụ thanh toán bằng chuyển khoản, nếu bằng tiền mặt phải sát khuẩn trước và sau khi giao dịch. Đồng thời bố trí sẵn bình phun hóa chất ngay tại chốt kiểm soát để phun hóa chất khử khuẩn hàng hóa, phương tiện,… trước khi ra, vào khu vực được phong tỏa. Đối với khu tập kết rác thải phải bố trí thuận lợi cho việc xử lý và thu gom vận chuyển rác thải nguy hại có khả năng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Sử dụng thùng rác đạp chân để tránh tiếp xúc, sử dụng túi rác màu vàng và người thu gom rác phải được trang bị bảo hộ theo đúng quy định.
Đối với khu vực trong vùng phong tỏa: Phải thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu về mục đích của việc phong tỏa để người dân tuân thủ, thực hiện nghiêm túc. Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly nhà cách ly với nhà, người cách ly với người, yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, không tiếp xúc với ai bên ngoài với phương châm “cửa đóng, then cài”. Trong khu vực phong tỏa nếu cần thiết thực hiện phong tỏa trong phong tỏa. Chia nhỏ từng khu vực trong khu phong tỏa để lập các chốt kiểm soát, đảm bảo tốt việc cách ly y tế của người dân. Cắt cử lực lượng chức năng có trang bị bảo hộ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý người dân vi phạm quy định về phòng chống dịch. Tổ Covid-19 cộng đồng (có trang bị bảo hộ) tăng cường giám sát sức khỏe người dân hàng ngày để phát hiện sớm những trường hợp bất thường và xử lý kịp thời. Khuyến khích sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR 100% người dân trong khu vực phong tỏa cứng định kỳ 3 ngày/1 lần, không được bỏ sót bất kỳ người dân nào. Nếu phát hiện trường hợp người dân có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải lập tức thực hiện test nhanh kháng nguyên để có định hướng xử lý kịp thời. Đồng thời xử lý hóa chất toàn hộ các hộ gia đình (không phun ngoài trời) định kỳ 3 ngày/1 lần lồng ghép sau lấy mẫu.
Những ngày qua, một số điểm nóng ở các khu vực phong tỏa gia tăng các trường hợp lây nhiễm chéo, việc quy định kỹ các hoạt động kiểm soát dịch ở các khu vực này cần phải được chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Có như vậy, tình hình dịch tại Đà Nẵng mới sớm được kiểm soát và ổn định.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...