DINH DƯỠNG VÀ LUYỆN TẬP PHÒNG COVID-19 TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH XÃ HỘI

Chủ nhật - 22/08/2021 03:22
COVID-19 là bệnh do virus gây ra và hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người có sức đề kháng tốt sẽ giảm được nguy cơ nhiễm bệnh và nếu bị nhiễm thì cũng bị nhẹ hơn và nhanh hồi phục hơn những người có sức đề kháng yếu. Dinh dưỡng và luyện tập thể chất phù hợp là hai yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội làm thế nào để có một chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất phù hợp nhất trong điều kiện có thể được nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể góp phần phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc Covid-19?  Trong bài viết này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin liên quan đến chế độ dinh dưỡng và luyện tập, tùy vào hoàn cảnh kinh tế, điều kiện nhà ở, v.v… mà mỗi người có thể áp dụng một cách tốt nhất.
* VỀ DINH DƯỠNG
1. Nguyên tắc:

Dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất: hợp lý theo lứa tuổi, hợp lý theo tình trạng sức khỏe hoặc các bệnh lý hiện có, hợp lý theo đối tượng: ví dụ như phụ nữ mang thai, đang cho con bú, v.v…
HÌnh minh họa

2. Các hướng dẫn chung:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm và tăng cường các loại thức ăn giúp nâng cao hệ miễn dịch như: các thức ăn giàu protein (chất đạm), omega 3 có trong cá, các loại thực phẩm giàu vitamin và vi chất như sắt, kẽm, selen, v.v.
- Ăn nhiều rau củ quả và các loại hạt, hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn.
- Ăn lượng dầu mỡ vừa phải, giảm lượng đường và muối.
- Ăn đủ 3 bữa chính, có thể thêm 1-3 lần ăn phụ
- Người mắc bệnh cấp hoặc mạn tính cần có chế độ ăn phù hợp với bệnh theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị hoặc cán bộ dinh dưỡng
- Uống đủ nước và đúng cách
- Lưu ý bảo đảm các quy tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Các câu hỏi thường gặp về dinh dưỡng trong thời gian giãn cách:
Hỏi: Cần ăn những loại thực phẩm nào để tăng cường hệ miễn dịch phòng Covid-19?
Trả lời: Như đã nêu trên, để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh cần có một chế độ ăn đa dạng, lành mạnh và cân bằng. Các loại thức ăn giúp tăng cường miễn dịch bao gồm các loại giàu chất đạm (protein), rau củ quả, các loại hạt, trứng, sữa, v.v… Cần nhớ là không có một loại thức ăn đơn độc nào có thể giúp phòng nhiễm Covid-19. Có thể tham khảo các tài liệu hướng dẫn nêu trong bài này để biết thế nào là một chế độ ăn đa dạng, khỏe mạnh và cân bằng.
Hỏi: Uống nước  như thế nào là đủ?
Trả lời: Một người có cân nặng trung bình 50 – 60 kg thì cần một lượng nước từ 2 – 2,5 lít/ ngày. 2/3 lượng nước này được cung cấp từ nước uống và 1/3 từ thức ăn.
Trong điều kiện thời tiết bình thường và vận động vừa phải, lượng nước cần trong một ngày được tính dựa theo cân nặng như sau:
Cân nặng Nhu cầu nước trong một ngày
Trẻ em có cân nặng 1- 10 kg 100 ml/ kg
Trẻ em có cân nặng từ trên 10 kg đến 20 kg. 1000 ml + 50 ml cho mỗi kg cân nặng tăng thêm từ cân thứ 11
Ví dụ: trẻ nặng 18 kg thì cần 1400 ml nước/ ngày
Cân nặng trên 20 kg 1500 ml + 20 ml cho mỗi 1kg cân nặng tăng thêm từ cân thứ 21
Ví dụ: người nặng 50 kg thì cần 1500 ml + (20 ml x 30) = 2100 ml

Hỏi: Uống nước  như thế nào là đúng cách?
Trả lời: Nên uống nước nhiều lần chia đều trong ngày với lượng ít mỗi lần hơn là uống một lần quá nhiều nước. Hạn chế uống các loại nước ngọt, nước có ga, rượu bia, nước trà đậm. Tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ buổi tối.
Hỏi: Giãn cách xã hội mức độ cao, rau xanh mua tích trữ chỉ để được vài ngày, tôi không được ra khỏi nhà làm sao có được rau xanh để ăn nhiều rau củ quả?
Trả lời: Các tổ Covid cộng đồng có thể giúp mua thêm rau xanh trong những ngày không được ra khỏi nhà. Nếu không có đủ rau xanh thì các loại bắp su, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, bí đao, các loại đậu v.v… cũng thuộc nhóm rau củ quả. Ngoài ra, các loại rau củ cấp đông mua sẵn và để được dài ngày cũng có giá trị dinh dưỡng tốt như rau củ quả thường.
Hỏi: Có cần uống bổ sung vitamin D nếu tôi cảm thấy bị thiếu ánh sáng mặt trời do phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội mức độ cao?
Trả lời: Vitamin D được tạo ra ở da qua tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc được cung cấp từ các nguồn thức ăn tự nhiên giàu vitamin D như các loại cá trích, cá nục, pho mai, trứng, sữa, v.v… Vì vậy, nếu ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì không cần phải uống bổ sung vitamin D. Chỉ nên uống bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ đối với những trường hợp bị thiếu dinh dưỡng, còi xương, hoặc các bệnh lý thiếu vitamin D khác. Cần nhớ rằng việc uống các loại vitamin liều cao không cần thiết cũng có thể gây những tác dụng phụ không tốt.
Hỏi: Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi phải mua tích trữ và sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn. Như vậy có tốt không?
Trả lời: Dĩ nhiên không thể tránh hoàn toàn việc sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn, nhất là trong điều kiện không mua đủ thực phẩm tươi khi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, cần hạn chế ăn những loại thực phẩm này đến mức tối đa có thể vì chúng không tốt bằng thực phẩm tươi do quá trình xử lý và có chất bảo quản. Ví dụ, nấu cơm để ăn bữa sáng với các món thông thường như thịt/ cá kho, trứng chiên, v.v… vẫn tốt hơn là ăn mì ăn liền, xúc xích, thịt hộp.
Hỏi: Ăn gừng hoặc tỏi có giúp phòng Covid-19?
Trả lời: Không. Hiện nay không có bằng chứng về việc ăn gừng hoặc tỏi có thể bảo vệ khỏi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, gừng và tỏi là những loại thực phẩm có thể chứa các chất có đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm.
Hỏi: Covid-19 có lây truyền qua đường thức ăn?
Trả lời: Hiện tại không có bằng chứng về sự lây nhiễm Covid-19 qua đường thức ăn ở người, kể cả các loại thức ăn tươi không qua nấu chín như rau củ quả. Tuy nhiên cần rửa sạch các loại thực phẩm nhất là các loại rau củ quả ăn sống.
Hỏi: Mua, nhận thực phẩm giao tận nhà có an toàn không?
Trả lời: Có, việc mua nhận thực phẩm giao đến nhà là an toàn nếu người giao và nhận tuân thủ các quy tắc phòng lây nhiễm như: đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách bằng cách đặt thực phẩm và tiền trả xuống một chỗ và đến nhận lần lượt thay vì trao tận tay (hoặc giao thực phẩm không tiếp xúc gần và trả tiền bằng chuyển khoản). Sau khi giao nhận thực phẩm cần rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn tay.
Hỏi: Có nên khử khuẩn các gói thực phẩm được mua hoặc giao đến nhà để phòng Covid-19?
Trả lời: Một số người do quá lo ngại nên xịt dung dịch khử khuẩn lên các túi, bao thực phẩm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, không cần thiết phải áp dụng các biện pháp khử khuẩn đối với bề mặt đóng gói của thực phẩm. Tuy nhiên cần rửa tay đúng cách sau khi cầm nắm, tiếp xúc với các gói thực phẩm và trước khi ăn.
Hỏi: Những chất khử khuẩn bề mặt nào nên sử dụng trong gia đình?
Trả lời: Các sản phẩm khử khuẩn thông thường chứa natri hypochlorite 0,05% (NaCIO) hoặc dung dịch khử khuẩn chứa cồn (ethanol) từ 70 độ trở lên có thể sử dụng để khử khuẩn bề mặt trong gia đình.
* VỀ LUYỆN TẬP, VẬN ĐỘNG:
1. Nguyên tắc: 
Việc luyện tập, vận động cần được duy trì hàng ngày với khối lượng và thời gian phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Hình minh họa

2. Các hướng dẫn chung:
- Hàng ngày nên tập luyện ít nhất 30 phút
- Hạn chế ngồi lâu, cứ mỗi 45 – 60 phút cần đứng dậy vận động 5 – 10 phút
- Nên tập luyện, thể dục ở nơi thoáng mát có thể ở ngoài sân, vườn hoặc gần cửa/ cửa sổ để hít thở không khí trong lành. Tuy nhiên cần lưu ý tránh không khí lạnh, gió lùa trong những lúc thời tiết bất lợi để tránh bị nhiễm lạnh dễ bị cảm.
- Người có các bệnh lý cấp hoặc mạn tính cần tham khảo bác sĩ để được hướng dẫn cách luyện tập phù hợp, nhất là những người mắc bệnh về tim mạch, xương khớp.
- Người cao tuổi tập luyện cần lưu ý các vấn đề về an toàn phòng chấn thương, té ngã.
- Có thể tập theo các bài tập trên truyền hình, Internet hoặc trên nền nhạc để tăng cảm giác hưng phấn, thích thú đối với việc tập luyện.
- Các bài tập thở cũng là một hình thức luyện tập rất tốt, nhất là đối với các cơ hô hấp giúp cải thiện khả năng thông khí và tăng sức chống đỡ đối với virus corona xâm nhập đường hô hấp trong nhiễm Covid-19.
Hiện nay có nhiều bài tập hướng dẫn tập thở trên Youtube và Facebook, mỗi người có thể tra cứu và lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe và thời gian của mình để áp dụng. Trang facebook và youtube dưới đây của giáo sư Trương Nguyện Thành, phó hiệu trưởng Đại học Văn Lang là một trong những địa chỉ có hướng dẫn các bài tập thở mà mọi người có thể tham khảo và áp dụng tập theo: 

https://www.facebook.com/gsquandui
https://www.youtube.com/watch?v=ldRHzrGgmjE
Trên đây là những hướng dẫn chung và một số câu hỏi thường gặp. Bạn đọc muốn tìm hiểu các hướng dẫn chi tiết về dinh dưỡng và luyện tập dự phòng Covid-19 có thể tải miễn phí tài liệu: “Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng COVID-19” của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam, GS. TS. Lê Danh Tuyên chủ biên tại địa chỉ web sau:
https://vncdc.gov.vn/files/article_attachment/2020/4/filefull_huongdandinhduongduphong_covid19_1142020.pdf
Tài liệu này có đầy đủ các hướng dẫn chi tiết về dinh dưỡng, thực đơn và tập luyện phòng Covid-19 cho các đối tượng khác nhau từ trẻ em đến người lớn, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính, v.v…
Nếu có các câu hỏi hoặc cần tư vấn về dinh dưỡng bạn đọc có thể gửi email đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng theo địa chỉ: ddcdcdng@gmail.com hoặc gọi số điện thoại tư vấn miễn phí: 0236.3812801, hoặc gọi Zalo số 0905007173 của BS. ThS. Ngô Văn Quang, trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng.
                                                                                                                                                     BS. ThS. Ngô Văn Quang

Tài liệu tham khảo:

1. Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng COVID-19. Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam, Lê Danh Tuyên chủ biên. Nhà xuất bản Lao động. Hà nội - 2020.

2. WHO. Coronavirus disease (COVID-19): Food safety and nutrition. 14 August 2020 | Q&A.

https://www.who.int/westernpacific/news/q-a-detail/coronavirus-disease-covid-19-food-safety-and-nutrition

3. WHO. Healthy diet. 29 April 2020 | Q&A.

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/healthy-diet

4. WHO. Nutrition advice for adults during the COVID-19 outbreak. http://www.emro.who.int/nutrition/news/nutrition-advice-for-adults-during-the-covid-19-outbreak.html
5. WHO. Food and nutrition tips during self-quarantine.
https://www.euro.who.int/en/health-topics/health-emergencies/coronavirus-covid-19/publications-and-technical-guidance/food-and-nutrition-tips-during-self-quarantine

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây