Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành: Đồng hành cùng bệnh nhân F0

Thứ hai - 07/02/2022 21:36
Chúng tôi là ai?
Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” được thành lập bởi Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho Y tế các tỉnh đang bị dịch Covid-19 hoành hành.
Chúng tôi ra đời như thế nào?
Trong một sự thôi thúc cần phải có một mạng lưới đồng hành cùng những người dân đang gặp phải khó khăn tiếp cận y tế khi đại dịch bùng phát, ngày 22-7-2021, chúng tôi quyết định họp nhau lại và sáng lập nên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.
Chúng tôi giúp đỡ những ai?
Năm (05) đối tượng chính của mạng lưới là F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; F0 chưa kịp đưa đến cơ sở y tế điều trị Covid-19 (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); F0 được chỉ định theo dõi điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế; F1 có triệu chứng, xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; F1 nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với F0.
Làm sao để giúp đỡ họ?
- Chúng tôi tiếp nhận thông tin của họ từ CDC/Sở Y tế/trung tâm y tế các tỉnh/thành phố cần hỗ trợ
- Bác sỹ chủ động gọi điện thoại đến, sàng lọc nguy cơ thành 5 mức độ NC0,1,2,3,4, và đánh giá tình trạng tâm lý, sau đó chuyển tiếp thông tin cho y tế địa phương trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu nặng hoặc nguy hiểm (NC3, NC4).
- Đối với các trường hợp sàng lọc hiện không có nguy cơ (NC0), hoặc nguy cơ thấp (NC1) với chỉ một vài triệu chứng thông thường, bác sỹ sẽ chuyển cho tình nguyện viên gọi điện thăm hỏi theo dõi sức khỏe ngày 1-2 lần. Trường hợp có triệu chứng và có dấu hiệu nặng lên (NC2) thì chúng tôi báo cho y tế địa phương (trạm y tế, trung tâm y tế), đồng thời bác sỹ trực tiếp theo dõi sát và có cơ chế tiếp nhận cuộc gọi ngược lại với đúng bác sỹ đó.
Chúng tôi tư vấn gì cho họ sau khi phân tầng nguy cơ?
Tất cả những người thuộc nhóm NC0, NC1, NC2 đều được chúng tôi tư vấn đầy đủ về ăn, uống, sinh hoạt phù hợp theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trường hợp NC4 chúng tôi trấn an tâm lý và tìm cách liên hệ với đầu mối y tế tại địa phương gần nhất để giúp đỡ người bệnh vào nhập viện cấp cứu. Trường hợp NC3 chúng tôi dặn dò người bệnh các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước khi được nhập viện cấp cứu, đồng thời có các hỗ trợ khám bệnh từ xa khẩn cấp. Chi tiết về nội dung tư vấn xem tại đây.
Telehealth được áp dụng ra sao?
Các trường hợp có cài đặt phần mềm hỗ trợ theo dõi tư vấn F0 tại nhà, bác sỹ có thể trực tiếp gọi video call cho người nhiễm COVID-19 để đánh giá tốt hơn.
Chúng tôi tổ chức thực hiện công việc ra sao?
Ban điều hành Trung Ương bao gồm các đại diện của Hội Thầy Thuốc Trẻ Việt Nam và đại diện cộng đồng tình nguyện hỗ trợ người nhiễm COVID-19.
Ban điều hành địa phương do Hội Thầy Thuốc trẻ tỉnh/thành phố đảm nhiệm.
Mạng lưới địa phương được chia làm 2 loại tổng đài chính:
- Tổng đài chăm sóc: Phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, miễn phí gọi ra và sử dụng công nghệ trực tuyến nhiều đầu số (do Mạng lưới trung ương cung cấp miễn phí).
+ Mỗi nhóm phụ trách hỗ trợ một quận/huyện/thị xã.
+ Bác sỹ quản lý (nhóm trưởng/nhóm phó): Nhóm trưởng có trách nhiệm phân công và giám sát thực hiện sàng lọc tư vấn của các bác sỹ thành viên.
+ Mỗi bác sỹ thành viên luôn phụ trách 50 người nhiễm chưa sàng lọc và tối đa 10 F0 nguy cơ cao để theo dõi sát. Bác sỹ thành viên sau khi sàng lọc xong chỉ theo dõi các trường hợp NC2 (có một dấu hiệu nặng và khuyến cáo nhập viện) khi họ còn ở cộng đồng.
+ Các trường hợp NC0, NC1 được bác sỹ thành viên chuyển tiếp cho tình nguyện viên mình quản lý để gọi điện theo dõi ngày 1-2 lần.
+ Các trường hợp NC3, NC4 bác sỹ chuyển tiếp trường hợp nặng, nguy hiểm cho các trung tâm y tế, trạm y tế gần nhất.
+ Tình nguyện viên theo dõi dựa trên các dấu hiệu nặng, nguy hiểm mới xuất hiện hoặc nặng lên của các triệu chứng hiện tại (có bảng kiểm), qua đó thông báo cho bác sỹ phụ trách mình và chuyển tiếp cho bác sỹ theo dõi đánh giá lại.
- Tổng đài tư vấn – xác thực: phối hợp với Sở Thông Tin truyền thông, miễn phí gọi vào.
+ Trường hợp chưa quá tải: bác sỹ có từ 5 năm kinh nghiệm tư vấn (người của y tế địa phương) trực theo 03 khung giờ hàng ngày (9-11; 15-17; 19-21).
+ Trường hợp quá tải cuộc gọi: Tổ chức tổng đài xác thực để lọc mã hỗ trợ khẩn cấp, sau đó chuyển cho nhóm bác sỹ có kinh nghiệm xử trí ca nặng (người của y tế địa phương), phối hợp chuyển tiếp người bệnh nhập viện cấp cứu.
Khi nào chúng tôi dừng gọi điện theo dõi F0, F1 nguy cơ cao?
Chúng tôi chỉ dừng theo dõi và tư vấn cho họ nếu được tiếp cận với chăm sóc y tế tại địa phương hoặc trong một số trường hợp đặc biệt (xem SOP). Trường hợp họ vẫn có nhu cầu tư vấn và gọi lại tổng đài thì chúng tôi tiếp tục xử lý thông tin và tư vấn đầy đủ.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Mỗi một bác sỹ trưởng nhóm sẽ được cấp một tài khoản và quản lý các tài khoản của nhóm mình bao gồm các bác sỹ khác và tình nguyện viên. Khi gọi điện thoại tới người dân, số điện thoại sẽ chỉ hiện số tổng đài theo đầu số lựa chọn của Sở Thông tin truyền thông. Trường hợp người dân gọi lại, cuộc gọi sẽ được chuyển đến đúng bác sỹ đang theo dõi mình.
Tổng đài trực tuyến: có thể kết nối nhiều số điện thoại cùng lúc, tránh tình trạng máy bận, hỗ trợ được hàng chục ngàn cuộc gọi ở cùng thời điểm.
Quản lý theo dõi và tư vấn F0 theo phần mềm hiện đại và hỗ trợ công nghệ telehealth, tương tác hai chiều, sắp xếp lịch hẹn, cảnh báo quá tải và cảnh báo cấp cứu.
Nếu người dân có vấn đề khác bên cạnh COVID-19
Chúng tôi sẽ ghi nhận các vấn đề khác của người dân trong trường hợp: 1. Cần hỗ trợ về lương thực, thực phẩm; 2. Cần hỗ trợ về thuốc men. 3. Cần hỗ trợ vận chuyển nhập viện, cấp cứu. Sau đó chuyển tiếp thông tin cho y tế địa phương càng sớm càng tốt.
Cam kết bảo mật
Tất cả những tình nguyện viên và bác sỹ tham gia mạng lưới, các đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ đều phải ký cam kết bảo mật thông tin. Chúng tôi cam kết tất cả những thông tin của người nhiễm CoViD-19 và của người F1 nguy cơ cao được quản lý và sử dụng chỉ với mục đích sàng lọc nguy cơ cho họ và tư vấn sức khỏe phù hợp với tình trạng của họ. Hệ thống dữ liệu được bảo quản bởi các công nghệ hiện đại để sao cho các lớp dữ liệu phân quyền rõ ràng, từ đó xác định trách nhiệm của từng cá nhân. Các nguyên tắc về bảo mật được áp dụng để khi tiếp cận thông tin người nhiễm ban đầu không chứa định danh. Trường hợp các thông tin định danh sau đó được người nhiễm COVID-19 cung cấp thì thuộc trách nhiệm bảo mật của từng thành viên hỗ trợ tư vấn người đó. Tất cả các dữ liệu được xóa định danh và chỉ còn giá trị khoa học.
Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thành phố Đà Nẵng hoạt động với đầu mối Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng. Thành viên của Mạng lưới là các bác sĩ, nhân viên y tế thuộc Hội Thầy thuốc trẻ thành phố, Trung tâm Y tế, tình nguyện viên đã qua tuyển chọn và đào tạo; phối hợp chặt chẽ với mạng lưới Trung ương để hỗ trợ người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố một cách tốt nhất thông qua điện thoại và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin
Các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên sẽ gọi điện thoại đến người nhiễm COVID-19 để tư vấn, theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho F0 và người ở cùng; phối hợp thông báo kịp thời cho y tế địa phương khi phát hiện các trường hợp cần hỗ trợ, can thiệp y tế; kịp thời phát hiện, phối hợp xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời các trường hợp có diễn biến nặng theo phân tầng điều trị.
Khi nhận được cuộc gọi từ đầu số 0236 3931022 (đầu số của Tổng đài hỗ trợ chăm sóc sức khỏe F0 thành phố Đà Nẵng), đây là cuộc gọi từ bác sĩ, nhân viên y tế thăm hỏi, hỗ trợ, kính mong người dân, người nhiễm COVID-19 bắt máy nhận cuộc gọi để được nghe tư vấn từ bác sĩ, nhân viên y tế hoàn toàn miến phí.
thay thuoc dong hanh
Hữu Quý
(Theo Ban Điều Hành Mạng Lưới Thầy Thuốc đồng hành Trung ương)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây