Tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh – Nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì
Thứ hai - 13/03/2023 21:37
WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng.
Đối với đồ uống có đường, Bộ Tài chính đề nghị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "với mức phù hợp". Việc này được lý giải nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh – Nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì kéo theo hàng loạt bệnh tật
Theo số liệu thống kê, tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.
Trong khi đó, WHO chỉ rõ, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.
Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả hai giới đã tăng 68% trong giai đoạn 2002 - 2016. Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.
Nhiều nghiên cứu quy mô lớn trong thời gian dài chỉ ra rằng, sử dụng đồ uống có đường bất hợp lý được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em, làm tăng nguy cơ bị rối loạn đường huyết, mỡ máu và huyết áp. Từ đó, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng như các biến chứng về tim mạch, đột quỵ và tử vong. Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường đồng thời là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về răng miệng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sử dụng quá nhiều đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, có những trẻ 8-10 tuổi đã mắc đái tháo đường type 2, căn bệnh liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, béo phì, lối sống.
Cần kiểm soát đồ uống có đường
"Điều đáng báo động là hiện nay đồ uống có đường ngày càng được yêu thích. Nhiều gia đình ngày 3 bữa đều cho trẻ uống đồ uống có đường cùng trong bữa ăn. Trong khi đó, nếu một ngày, đứa trẻ chỉ uống 1 lon hoặc 1 chai đồ uống có đường thì cũng đã tiêu thụ lượng đường tự do vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều, với khoảng 36gram đường tự do trong mỗi lon nước ngọt" – PGS.TS Lê Bạch Mai thông tin.
Theo khuyến cáo của WHO, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe tương đương dưới 25-50 gram đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25gram đường mỗi ngày với trẻ em.
Cần có các giải pháp để kiểm soát đường uống có đường (Hình minh họa)
Để giảm gánh nặng y tế xã hội từ việc thừa cân béo phì, các chuyên gia nhấn mạnh cần thiết phải giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Việc làm này có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp - là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Một trong các biện pháp được khuyến cáo đó là cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ do giá cao hơn. WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng.