Bệnh Lao do vi khuẩn Lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra. Đây là loại vi khuẩn có thể lây truyền qua không khí, tức là nếu hít chung bầu không khí với người bị mắc bệnh Lao thì nguy cơ mắc Lao cao. Khi nhiễm vi khuẩn Lao, bệnh nhân dễ bị các biến chứng về phổi và cũng có thể lây lan sang xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác.
Trẻ em nên tiêm vắc xin ngừa Lao càng sớm càng tốt Vắc xin phòng Lao BCG (Bacille Calmette-Guérin) là vắc xin sống giảm độc lực. Trong vắc xin BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây bệnh Lao đã được làm cho yếu đi, không gây bệnh Lao cho người khỏe mạnh mà giúp cơ thể hình thành kháng thể trước căn bệnh này. Vắc xin BCG thường được khuyến cáo chỉ định cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nó đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%. Chỉ cần tiêm vắc xin ngừa Lao BCG 01 liều duy nhất đã có thể tạo ra tác dụng bảo vệ lâu dài. Chính vì bệnh Lao rất dễ lây, trong khi Việt Nam lại là một trong số những quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh Lao cao trên thế giới, từ năm 1981, Bộ Y tế đã đưa vắc xin phòng Lao vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện áp dụng cho trẻ mới sinh có đủ điều kiện sức khỏe. Lịch tiêm phòng Lao cho trẻ sơ sinh Việt Nam đang sử dụng vắc xin phòng Lao BCG và Bộ Y tế khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng đến 1 năm sau sinh và trẻ cân nặng trên 2kg. Thực tế, với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng Lao càng sớm càng tốt, trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Việc chậm trễ tiêm vắc xin phòng bệnh Lao cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Lao hơn những trẻ đã được tiêm; thậm chí trẻ có thể nhiễm Lao ngay những ngày đầu sau sinh do lúc này hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt nên không có đủ khả năng tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập, nhất là Lao và các loại vi khuẩn khác.
Tiêm phòng Lao cho trẻ càng sớm càng tốt
Tuy nhiên, tiêm vắc xin phòng Lao cho trẻ ở giai đoạn sau 1 năm tuổi chỉ có tác dụng phòng bệnh khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm khuẩn Lao. Các trường hợp nếu đã xác định chính xác trẻ nhiễm Lao thì việc tiêm phòng lúc này là không cần thiết và nên thận trọng vì nguy cơ phản ứng phụ sau tiêm thường tăng cao. Trẻ em trên 1 tuổi và người lớn có nguy cơ mắc bệnh Lao cũng có thể tiêm chủng trong một số trường hợp đặc biệt hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu chứng minh được tính hiệu quả của vắc xin phòng Lao ở người lớn trên 35 tuổi. Trường hợp chống chỉ định và hoãn tiêm vắc xin phòng Lao Vắc xin BCG được chỉ định cho tất cả trẻ sơ sinh chưa bị nhiễm Lao, sức khỏe tốt và không mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch. Một số trường hợp chống chỉ định và hoãn tiêm chủng phòng Lao được quy định như sau: Các trường hợp chống chỉ định tiêm phòng Lao BCG bao gồm: Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con. Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin Lao. Các trường hợp hoãn tiêm chủng BCG phòng Lao: Đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang sốt. Đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid, globulin miễn dịch. Cân nặng dưới 2kg. Trẻ sinh ra khi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vắc-xin BCG. Tiêm chủng vắc-xin cho trẻ khi đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai)./.