Tiệm cận các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao và lao kháng thuốc trên thế giới
Thứ năm - 23/03/2023 00:42
Bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng gây tử vong ở các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Theo báo cáo của WHO năm 2022, Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao trên thế giới.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.600 bệnh nhân lao kháng thuốc Rifampicin (RIF) được phát hiện. Thành phố Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ mắc lao tương đối cao. Số bệnh nhân lao mọi thể được thu nhận tại Đà Nẵng năm 2022 là 1.761 bệnh nhân tương ứng với tỷ lệ mắc lao toàn thành phố là 145.6 người/ 100.000 dân; số bệnh nhân kháng thuốc RIF được phát hiện là 29 bệnh nhân. Chẩn đoán lao kháng thuốc hiện nay là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chiến dịch chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là một trong 4 đơn vị có phòng xét nghiệm lao đạt chuẩn trên toàn quốc và hiện đang thực hiện các xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán lao kháng thuốc bao gồm xét nghiệm Xpert MTB/RIF, Xpert MTB/RIF Ultra, Truenat, LPA và gần đây nhất là Xpert MTB/XDR. Chẩn đoán chính xác, phát hiện sớm lao kháng thuốc luôn được quan tâm hàng đầu trong các xét nghiệm hiện nay. Xét nghiệm kháng sinh đồ tuy được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán lao kháng thuốc nhưng cần trải qua thời gian cấy lao khoảng 2-5 tuần. Do đó, kết quả kháng sinh đồ thường chậm (từ 4-6 tuần). Vì vậy, xét nghiệm sinh học phân tử được xem là hướng đi phù hợp và nhanh nhất trong chẩn đoán phát hiện lao kháng thuốc hiện nay.
Kỹ thuận viên khoa xét nghiệm đang xử lý mẫu bệnh phẩm
Hiện nay, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã triển khai và ưu tiên kỹ thuật xét nghiệm Xpert MTB/RIF trong xét nghiệm chẩn đoán lao và lao kháng thuốc với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao và thời gian xét nghiệm chỉ khoảng 2 tiếng, kỹ thuật này mang tính đột phá có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán sớm bệnh lao và lao kháng thuốc RIF nhằm điều trị sớm và hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng.
Cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật, xét nghiệm Xpert MTB/RIF cũng được cải tiến với sự ra đời của xét nghiệm Xpert MTB/RIF Ultra được áp dụng tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ năm 2019. Với ưu điểm tăng độ nhạy (tăng 5% so với Xpert MTB/RIF), Xpert MTB/RIF Ultra được xem là công cụ phát hiện lao và lao kháng RIF nhanh và hiệu quả. Ngoài ra, Xpert MTB/RIF Ultra còn có ưu điểm vượt trội so với các xét nghiệm khác là có thể áp dụng đối với mẫu bệnh phẩm là mẫu phân. Điều này làm tăng tỷ lệ phát hiện lao và lao kháng RIF ở những đối tượng khó lấy mẫu hô hấp như trẻ em, người mắc HIV. Ưu điểm của xét nghiệm này không những góp phần làm giảm áp lực lên nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà trong việc phải can thiệp lấy mẫu hô hấp như dịch rửa phế quản, dịch dạ dày…, mà còn có thể áp dụng đối với bệnh nhân ở những tuyến y tế cơ sở chưa áp dụng được các thủ thuật can thiệp trên.
Năm 2022, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã triển khai xét nghiệm Truenat MTB nhằm phát hiện lao và lao kháng RIF. Với mục tiêu được hướng đến trong xét nghiệm chẩn đoán là nhanh, nhạy, đặc hiệu và dễ áp dụng thì xét nghiệm Truenat MTB hoàn toàn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn với độ nhạy trên 96%, độ đặc hiệu trên 98% và thời gian xét nghiệm chỉ từ 1-2 giờ. Với ưu điểm thiết bị nhỏ gọn với tổng trọng lượng dưới 5 kg, tính tự động cao với các thao tác kỹ thuật đơn giản, vận hành ở nhiệt độ phòng dưới 40oC và với nguồn điện hoặc pin sạc trong vòng 6-8 giờ liên tục, xét nghiệm Truenat hoàn toàn phù hợp với những đơn vị xét nghiệm tuyến cơ sở hoặc xét nghiệm thực địa. Song song với Xpert MTB/RIF và Xpert MTB/RIF Ultra, xét nghiệm Truenat với những lợi thế riêng cũng đang khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược chẩn đoán sớm phát hiện lao và lao kháng RIF.
Hệ thống máy Gene Xpert
Nhằm tăng cường các kỹ thuật sinh học phân tử phát hiện lao và lao kháng thuốc, các xét nghiệm LPA được bệnh viện Phổi Đà Nẵng triển khai từ năm 2019. Trong đó, bao gồm kỹ thuật LPA hàng 1 nhằm phát hiện lao kháng đa thuốc (kháng Isoniazid (INH) và RIF) và kỹ thuật LPA hàng 2 nhằm phát hiện lao kháng các thuốc Fluoroquinolone (FLQ) và thuốc tiêm hàng hai (Capreomycin, Amikacin, Kanamycin). Hiện tại, bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn là bệnh viện duy nhất đủ năng lực thực hiện xét nghiệm LPA cho các tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Từ năm 2023, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng triển khai thêm kỹ thuật xét nghiệm Xpert MTB/XDR. Đây là xét nghiệm có khả năng phát hiện nhanh các đột biến kháng thuốc INH, FLQ, thuốc tiêm hàng 2 (Capreomycin, Amikacin, Kanamycin) và Ethionamid (ETH) chỉ trong một lần xét nghiệm, có độ nhạy độ đặc hiệu cao và thời gian cho kết quả rất nhanh chỉ dưới 90 phút. Hệ thống gồm 1 thiết bị máy Gene Xpert 10 màu, máy tính cá nhân, đầu đọc mã vạch. Xét nghiệm Xpert MTB/XDR khắc phục được trở ngại lớn của LPA là không cần trang thiết bị và kỹ thuật phức tạp, thời gian xét nghiệm nhanh hứa hẹn sẽ đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán lao toàn cầu, đặc biệt ở những nước có tỷ lệ bệnh lao cao như Việt Nam. Hiện tại, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, sinh phẩm và nhân lực được đào tạo để triển khai xét nghiệm Xpert MTB/XDR.
Như vậy, cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng không ngừng triển khai các kỹ thuật mới tiệm cận với các kỹ thuật xét nghiệm lao tiên tiến trên thế giới nhằm tăng cường phát hiện lao và lao kháng thuốc sớm, nhằm góp phần hướng đến mục tiêu Đà Nẵng không còn bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Ths Bs. Lê Thành Phúc, Ths. Nguyễn Thị Thanh Yên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...