Tác động tích cực của PrEP tại Đà Nẵng

Thứ hai - 26/12/2022 21:53
Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo về hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP), Việt Nam đã tổ chức thí điểm và sau đó nhân rộng mô hình do có những tín hiệu rất lạc quan.
          PrEP được triển khai tại Đà Nẵng từ giữa năm 2021. Chỉ sau hơn một năm triển khai, đã cho thấy những tín hiệu lạc quan khi số người tiếp cận dịch vụ ngày càng tăng và số người nhiễm mới HIV giảm.
HIV1
Chương trình khởi động PrEP tại Đà Nẵng

          Tại Phòng khám, tư vấn HIV của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng, N.M.C – một người đã sử dụng PrEP từ những ngày đầu thành phố triển khai dịch vụ này vẫn tất bật hướng dẫn những người mới đến tìm hiểu về PrEP. Anh C. cho biết, đây là một mô hình rất hay, nhất là đối với nhóm MSM. Thuốc lại đang được cung cấp miễn phí, người dùng không phải lo lắng về chi phí điều trị và khi sử dụng thuốc này anh chưa gặp tác dụng phụ gì đáng kể. Nhận thấy những lợi ích của chương trình, anh H. đã tích cực tuyên truyền về Prep để nhiều người cùng được hưởng lợi như mình.  
          Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đang là địa chỉ duy nhất cung cấp dịch vụ PrEP điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại thành phố. Qua số liệu thống kê cho thấy, số người tới với chương trình ngày càng tăng và hầu hết đều tuân thủ hướng dẫn uống thuốc của bác sĩ. Qua các kênh truyền thông và đặc biệt là các cộng tác viên đã tích cực tuyên truyền để nhiều người được biết tới dịch vụ này nên số người tiếp cận dịch vụ ngày càng tăng.
HIV 2
Tư vấn cho khách hàng tại Phòng khám, tư vấn HIV

          Sau hơn 01 năm triển khai PrEP tại Đà Nẵng, đã có hơn 1 ngàn người tiếp cận với dịch vụ này. Tính trong 10 tháng của năm 2022, có hơn 8 trăm khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần, trong đó chủ yếu là nhóm quan hệ đồng giới nam và người bán dâm là hai nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất. Dịch vụ PrEP nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng thuốc ngày càng tăng. Có gần 200 lượt khách hàng cũ quay lại điều trị và hơn 800 lượt khách hàng tái khám.
          Việc triển khai PrEP được cho là một bước tiến lớn trong kiểm soát tình hình nhiễm HIV. PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV. Tại Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2021, thành phố ghi nhận 244 ca nhiễm HIV. Cũng thời gian này năm 2022, số ca nhiễm HIV ghi nhận giảm còn 176 ca và 100% số người nhiễm đều qua đường tình dục.
          Một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 90% khi rơi vào tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao. Như trường hợp của anh M.T.T là một ví dụ. Anh T. là một MSM, đang sống chung với bạn tình là người nhiễm HIV nên qua các kênh truyền thông, anh tìm đến với dịch vụ điều trị PrEP tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng. Lần đầu tiên đến với dịch vụ này, anh phải làm các xét nghiệm ban đầu như: xét nghiệm HIV, viêm gan B, chức năng thận và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Sau một thời gian điều trị PrEP, anh cho biết rất may mắn khi biết đến hình thức này bởi cả hai không còn lo lắng đến việc lây nhiễm HIV như trước nữa. 
          Đánh giá về chương trình PrEP, BSCKI. Lê Thành Chung – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng cho biết. “Chương trình PrEP đã có tác động rất lớn tới tình hình HIV tại TP. Đà Nẵng. Theo báo cáo thống kê từ cuối tháng 9/2022, số ca nhiễm HIV tại Đà Nẵng đã giảm gần 27,9%. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng về tình hình nhiễm HIV trong năm 2022 và đây cũng là lần đầu tiên trong những năm qua, số người nhiễm HIV đã giảm so với những năm trước, đặc biệt là trong nhóm MSM. Nhóm này đã gần như kiểm soát được và đã làm giảm 1 tỷ lệ đáng kể ở trong nhóm MSM này.
          Có thể nhận thấy, mặc dù triển khai muộn hơn so với một số tỉnh thành khác, tuy nhiên đã có những tín hiệu rất đáng mừng trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trên địa bàn thành phố, nhất là trong nhóm MSM. Tuy nhiên, hiện nay, Đà Nẵng mới chỉ có 1 đơn vị triển khai điều trị PrEP. Do đó trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai thêm các mô hình điều trị và mở rộng mạng lưới để tăng lượt khách đến với chương trình.
          “Để tiếp cận được nhiều hơn các đối tượng sử dụng PrEP, chúng tôi đang nghiên cứu triển khai thêm các phòng khám PrEP tại các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân và có thể sẽ triển khai mô hình khám và cấp phát thuốc lưu động, đặc biệt là tại các trường đại học và các địa điểm khác. Nó cũng sẽ làm tăng khả năng tiếp cận PrEP của nhiều đối tượng đối với và qua đó sẽ giảm số ca nhiễm HIV trong cộng đồng”, BS. Lê Thành Chung cho biết thêm.
          Việc mở rộng các hình thức điều trị PrEP cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm hơn nữa số ca nhiễm HIV tại thành phố trong thời gian đến./.
                                                                                                    Phan Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây