Truyền thông về dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng

Thứ tư - 30/11/2022 04:29
Trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa và tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Lứa tuổi dễ mắc HIV/AIDS nhất là các sinh viên, bởi các bạn vừa thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của gia đình để đến với một môi trường mới nhiều cám dỗ, cộng thêm việc các bạn đang trong thời tuổi trẻ yêu đương bồng bột và sự hiểu biết về HIV/AIDS còn rất hạn chế. Vì vậy, tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm đối tượng này là một trong những ưu tiên hiện nay tại thành phố Đà Nẵng.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm sinh viên, từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã tổ chức 10 buổi truyền thông về dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) tại các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố với hàng nghìn sinh viên tham gia.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Tại Việt Nam, điều trị PrEP được triển khai từ năm 2017 ngay sau khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP phù hợp với mọi đối tượng chưa nhiễm HIV mà có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP uống hằng ngày có hiệu quả với các nhóm: nam quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người tiêm chích ma túy; phụ nữ bán dâm; vợ, chồng, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV.v.v…
Khi sử dụng PrEP nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.
truyen thong HIV
Truyền thông về dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) và tự xét nghiệm HIV online cho sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng

Tham gia buổi truyền thông về dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP), bạn Đỗ Nguyên Nhung – sinh viên Khoa Xây dựng, trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng chia sẻ “Những buổi truyền thông như thế này em thấy rất bổ ích, giúp em hiểu biết rõ hơn về căn bệnh HIV/AIDS, các đường lây truyền, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP), hướng dẫn xét nghiệm HIV online trực tuyến... Qua đó, em sẽ tuyên truyền cho bạn bè để biết cách phòng tránh cho bản thân”.
truyen thong hiv
BS. Đoàn Kim Liên – Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS và quản lý điều trị nghiện chất (CDC) truyền thông về dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) và tự xét nghiệm HIV online cho sinh viên Trường Đại học Duy tân Đà Nẵng

Còn bạn Trần Thị Phương  - Sinh viên khoa Y - Dược, thành viên Ban chấp hành Đoàn Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng chia sẻ “Với tư cách là thành viên của Ban chấp hành đoàn trường, em rất vui khi các bạn đoàn viên của mình có cơ hội được nghe một buổi truyền thông về HIV bổ ích như thế này, các bạn được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về HIV, về những nguy cơ và các biện pháp dự phòng. Em hy vọng sẽ tiếp tục có những chương trình hay như thế này để các bạn có thể biết cách bảo vệ bản thân mình cũng như mọi người”.
Đặc biệt, buổi truyền thông còn hướng dẫn các bạn sinh viên tự xét nghiệm HIV online trực tuyến tại nhà bằng cách truy cập vào website https://tuxetnghiem.vn để được hướng dẫn đánh giá nguy cơ của bản thân thông qua bộ câu hỏi, nếu bạn có nguy cơ nhiễm HIV thì sẽ được hệ thống gợi ý đăng ký tài khoản để được nhận kit test miễn phí và được hướng dẫn cách tự xét nghiệm tại nhà. Buổi truyền thông là dịp để các bạn sinh viên cập nhật và bổ sung các kiến thức cần thiết về phòng chống HIV/AIDS, tự xây dựng cho mình lối sống lành mạnh và các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân./.
                                                                           Minh Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây