Bạn đã biết về PrEP – Biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV?
Thứ tư - 06/07/2022 05:53
Từ năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia về triển khai PrEP là một lựa chọn dự phòng quan trọng cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.
Đầu năm 2017, PrEP được tổ chức thí điểm tại Việt Nam và hiện đã có 29 tỉnh thành triển khai biện pháp này. Đây được coi là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục tới hơn 90% và hơn 70% đối với nhóm tiêm chích ma túy nếu sử dụng đúng cách. PrEP sử dụng cho người chưa nhiễm HIV PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV. Thuốc PrEP hiện nay thường là kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine. Khi dùng thuốc hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virút HIV xâm nhập và nếu chẳng may xâm nhập cũng không nhân lên trong cơ thể. Từ đó dự phòng được lây nhiễm HIV. PrEP được áp dụng cho cả nam và nữ hoặc những người đồng tính. Nó có thể ngăn ngừa HIV nhưng nó không phòng được các bệnh nhiễm qua đường tình dục khác, không có tác dụng tránh thai. Vì vậy để an toàn nhất, bạn phải luôn dùng PrEP và bao cao su khi quan hệ tình dục. PrEP an toàn với mọi người, kể cả phụ nữ mang thai Hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn... Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau một đến hai tuần. Cần trao đổi với bác sĩ ngay nếu
những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Với những người dùng PrEP trong một thời gian dài có thể gây loãng xương (ít gặp) hoặc ảnh hưởng đến thận, vì vậy điều quan trọng là người sử dụng PrEP cần được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ. Không phải tất cả mọi người đều dùng được PrEP PrEP dành cho những người chưa nhiễm HIV (xét nghiệm HIV âm tính) và có nguy cơ nhiễm HIV cao bao gồm: - Có quan hệ tình dục với người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người tiêm chích ma túy…); - Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV ≥ 200 bản sao/ml hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV; - Có một trong các yếu tố có nguy cơ nhiễm HIV sau: Có quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với hơn 01 bạn tình; Đã mắc hoặc đang điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; Đã sử dụng Điều trị Dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP); Có quan hệ tình dục để đổi lấy tiền hoặc hiện vật; Có sử dụng ma túy trong khi quan hệ tình dục; - Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích. PrEP không phải dùng suốt đời Có thể ngừng sử dụng PrEP nếu bản thân không muốn tiếp tục sử dụng loại thuốc này hoặc khi có chỉ định ngừng sử dụng PrEP của thầy thuốc trong các trường hợp: + Người sử dụng nhiễm HIV (PrEP không bảo vệ người sử dụng được 100% hoặc người sử dụng không uống thuốc đúng cách dẫn đến bị nhiễm HIV); + Khi sử dụng mà có phản ứng nghiêm trọng với thuốc; + Khách hàng thay đổi hành vi và không còn nguy cơ lây nhiễm HIV, ví dụ: luôn luôn sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục; Chỉ có một bạn tình có HIV âm tính và không có nguy cơ cao; Dùng liệu pháp thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone, không sử dụng chung bơm kim tiêm; Vợ/chồng hoặc bạn tình nhiễm HIV đã điều trị ARV trên 6 tháng và có tải lượng virut dưới 200 bản sao/ml hoặc không có quan hệ tình dục nữa, vì vậy không có nguy cơ. Hải Yến
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...