6 2 banner2 1

Hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm Hiv bằng thuốc kháng vi rút HIV (PrEP)

Thứ năm - 07/07/2022 03:25
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (PrEP) là biện pháp đang được áp dụng rất phổ biến. Đây là cách đơn giản nhất, có thể giảm tới hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW); phụ nữ bán dâm…
Những năm gần đây, dịch HIV ở Việt Nam có nhiều thay đổi. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm giảm. Tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ (TGW) vẫn ở mức cao, đang gia tăng, nhất là ở các khu vực đô thị lớn. Điều đáng lo ngại nhất là nhóm MSM đang ngày càng trẻ hóa, phần lớn các em đang ở độ tuổi từ 15 đến 25 nên nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao.
prep 4

Bs. Lê Thành Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) cho biết: Hiện nay Đà Nẵng đang triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP. Số lượng người tham gia điều trị đến cuối tháng 6 là gần 800 người. Đến với phòng khám PrEP tại CDC Đà Nẵng khách háng sẽ được khám bệnh, xét nghiệm HIV, cấp phát thuốc PrEP miễn phí và hướng dẫn uống thuốc. Cách uống thuốc cũng rất đơn giản, có thể dùng liệu trình hàng ngày bằng cách mỗi ngày uống 01 viên hoặc uống theo tình huống. Trong thời gian từ tháng 5 năm 2021 đến nay, số lượng người nhiễm HIV phát hiện trong nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đã giảm xuống rất đáng kể.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP phù hợp với mọi đối tượng chưa nhiễm HIV mà có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP uống hằng ngày có hiệu quả với các nhóm: nam quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người tiêm chích ma túy; phụ nữ bán dâm; vợ, chồng, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV; những người tiếp tục có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sau khi đã được điều trị sau phơi nhiễm HIV (PEP)… Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong gói dự phòng HIV kết hợp.
Hiện nay những người có chỉ định của bác sĩ cho dùng PrEP thường sử dụng một trong hai cách sau: Uống PrEP mỗi ngày: dùng cho tất cả những người có hành vi nguy cơ. PrEP uống hàng ngày đã chứng minh hiệu lực >95% với nhóm MSM trong một sổ thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của vài nghìn người. Hiện nay hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến cáo sử dụng PrEP hàng ngày như một chương trình dự phòng tổng hợp cho những nhóm nguy cơ cao. Trong khi đó, Uống theo tình huống (ED-PrEP): được chỉ định cho nam quan hệ tình dục đồng giới có chỉ định dùng PrEP và có tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần và cần đảm bảo được việc dùng thuốc ARV trong vòng 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục. Thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống về bản chất cũng là thuốc kháng vi rút có thành phần là TDF/FTC hoặc TDF/3TC như PrEP hàng ngày. Tuy nhiên uống liền 2 viên cho liều đầu tiên trong vòng từ 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục và uống viên thứ 3 sau liều đầu 24 giờ và uống viên thứ 4 sau liều đầu 48giờ. 
Prep

Một bệnh nhân đang điều trị PrEP tại Phòng khám PrEP  - CDC Đà Nẵng chia sẻ: Em tham gia điều trị PrEP này đã được 6 tháng. Trong thời gian điều trị PrEP, em thấy mọi thứ đều tốt. Chính vì bản thân mình đã tham gia điều trị và thấy hiệu quả nên em đã tham gia làm tình nguyện viên để hỗ trợ cho các bạn khác. Thông qua các ứng dụng xã hội dành cho GAY như: Blued, Grindr, Jack’d… để kết nối với các bạn và các bạn có nhu cầu sẽ tự liên hệ với mình để hỏi những nhu cầu, những thắc mắc, lo âu… Khi nhận được thông tin thì em trả lời cho các bạn trong khả năng mình biết, nếu gặp những trường hợp khó hơn hay những vấn đề tế nhị hơn thì em sẽ hướng dẫn các bạn đến phòng khám PrEP của CDC Đà Nẵng để các cô chú, anh chị có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho các bạn rõ ràng, chính xác để các bạn yên tâm hơn.
PrEP chỉ sử dụng cho những ai chưa nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ của người sử dụng. Nếu tuân thủ điều trị tốt, PrEP có thể dự phòng được trên 90% khả năng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hằng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả.
Minh Hiền
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây