Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với dịch vụ thức ăn đường phố
Thứ ba - 04/04/2023 22:32
Thức ăn đường phố hay thức ăn vỉa hè, thức ăn lề đường là các loại thức ăn, đồ uống đã chế biến sẵn hay sẵn sàng chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng được bày bán trên vĩa hè, lề đường ở các đường phố, khu phố đông người hoặc những nơi công cộng khác... Thông thường thức ăn đường phố được bày bán trên các tiệm ăn di động, quán ăn tạm thời hay là từ một gian hàng di động cho đến các loại xe đẩy.
Thức ăn đường phố với các tiện ích nhanh, gọn, rẻ chính là lựa chọn của nhiều người. Thế nhưng, đằng sau dịch vụ ăn uống này lại tồn tại nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Để góp phần phòng tránh ngộ độc cho người tiêu dùng, cơ sở hay người kinh doanh thức ăn đường phố cần: 1. Giữ vệ sinh (ngăn ngừa sự ô nhiễm) - Nơi kinh doanh thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn ô nhiễm. Không bán thức ăn ở gần nơi cống rãnh lộ thiên, bùn lầy nước đọng, chỗ đổ rác thải, nhà vệ sinh, hoặc khu vực bán gia cầm, gia súc, các loại thủy sản tươi sống. - Phương tiện bán rong phải bảo đảm vệ sinh, chống được ruồi, các loại côn trùng, bụi bẩn, mưa nắng. Toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm phải được vệ sinh sạch sẽ. - Rác thải, thức ăn thừa phải đựng vào thùng kín, có nắp đậy tránh ruồi nhặng và được vệ sinh thường xuyên. - Thức ăn chế biến sẵn, các loại quả cắt sẵn như: dưa hấu, đu đủ, thơm, mít,... phải được bày bán trong tủ kính hoặc đựng trong các dụng cụ sạch có che đậy bằng giấy bóng kính trong và để trên giá kê cao cách mặt đất từ 60cm trở lên. - Người chế biến thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ, học tập kiến thức kết hợp với thực hiện tốt các hướng dẫn về thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm và chấp hành các yêu cầu khi đăng ký xin giấy phép hành nghề theo quy định của Ngành y tế. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước, sau quá trình chế biến và sau khi đi vệ sinh. 2. Để tách biệt thực phẩm sống với chín, cũ với mới (ngăn ngừa sự ô nhiễm) - Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín. - Phải dùng riêng biệt dụng cụ tiếp xúc với thức ăn và thực phẩm tươi sống. Sử dụng các dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ, găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín và có dụng cụ sạch cho khách hàng tự lựa chọn. 3. Đun nấu kỹ (loại bỏ các mối nguy đối với thực phẩm) - Đun nấu kỹ thực phẩm đặc biệt thịt, trứng và hải sản. Đối với thịt sau khi nấu, luộc, nước bên trong miếng thịt phải trong, không còn màu hồng nhạt. - Các món canh và nước hầm phải đun sôi thật kỹ,. - Những thực phẩm đã được nấu chín để sau 2 giờ, trước khi ăn phải đun sôi kỹ, ít nhất 2 phút. 4. Bảo quản ở nhiệt độ an toàn (ngăn ngừa các vi sinh vật phát triển) - Không để thực phẩm đã chế biến ở nhiệt độ thường quá 2 giờ. - Thực phẩm đã nấu chín, chưa sử dụng ngay hoặc thức ăn cần vận chuyển từ một địa điểm này đến địa điểm khác phải bảo quản: bảo quản lạnh ở nhiệt độ khoảng 5 độ C hoặc lạnh hơn. Bảo quản nóng ở 60 độ C hoặc nóng hơn. 5. Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn (giảm nguy cơ ô nhiễm) - Nước và đá dùng cho đồ uống phải được làm từ nguồn nước an toàn. - Phải có đủ nước sạch để rửa tay và dụng cụ chế biến, ăn uống. - Nguyên liệu thực phẩm phải an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chọn thực phẩm tươi, không dập nát, không mốc, không thiu; không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm quá hạn sử dụng. - Việc sử dụng phụ gia thực phẩm khi chế biến, bảo quản thực phẩm phải thực hiện theo “Quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ y tế”. Anh Thơ (Tổng hợp)