Hơn 3,3 ngàn ca mắc, Đà Nẵng quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch Sốt xuất huyết
Thứ hai - 18/07/2022 04:30
Hiện nay dịch sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó có Đà Nẵng. Chuyên gia dự báo dịch SXH sẽ đạt đỉnh ở nước ta vào tháng 8 tới đây và các địa phương cần tích cực triển khai các biện pháp phòng chống SXH, tránh tình trạng dịch chồng dịch.
Số ca mắc SXH tăng 23,4 lần so với cùng kỳ năm trước
Tính đến ngày 10/7/2022, Đà Nẵng ghi nhận 3.305 ca mắc SXH, tăng 23,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có gần 1.300 ca mắc là đối tượng trẻ em từ 15 tuổi trở xuống.
Nhiều trẻ em mắc SXH
Trong 02 năm 2021 và 2022, trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Tỉ lệ số ca mắc SXH nặng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít: 0,06% trong tổng số ca mắc SXH 6 tháng đầu năm 2022.
05/07 địa phương là quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, huyện Hòa Vang có số ca mắc SXH/100.000 dân năm 2022 cao hơn trung bình 5 năm 2016 - 2020. Trong đó, quận Liên Chiểu có tỷ lệ mắc cao nhất thành phố (gấp 2,89 lần). Biểu đồ số mắc SXHD/100.000 dân phân bố ở các quận huyện so với cùng kỳ năm 2021 và so với trung bình 5 năm gần nhất (2016-2020)
Năm nay, số ca mắc SXHD tại thành phố Đà Nẵng có xu hướng gia tăng bắt đầu từ tuần 19 và đã vượt ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2016-2020), số lượng ca cao nhất đến hiện tại là ở tuần 26 với 330 ca.
Cũng tính đến 10/7, toàn TP. Đà Nẵng đang có 345 ổ dịch nhỏ, trong đó Liên Chiểu là địa phương có số ổ dịch nhỏ cao nhất với 120 ổ. Số ổ dịch ghi nhận cao nhất tại thành phố là trong tháng 6 với 158 ổ. Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH
Trước tình hình số ca mắc SXH tăng cao, ngành y tế đã triển khai 4 đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác tại 3 địa phương có số ca mắc cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, phân công cán bộ đứng điểm để theo dõi, đánh giá tình hình và phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.
Phun hóa chất diệt muỗi
Các đơn vị y tế được yêu cầu tăng cường công tác đánh giá, phân tích, khoanh vùng, xử lý ca bệnh đơn lẻ, ổ dịch nhỏ để dập dịch. Cùng với đó là tham mưu cho chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra véc tơ chủ động, xử lý diện rộng.
Ngành Y tế cũng đã tích cực triển khai các đợt điều tra chủ động véc tơ tại các điểm nóng SXH, tại các điểm có nguy cơ bùng phát dịch, tham gia tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy lăng quăng và xử lý ổ dịch nhỏ theo quy định.
Tại các cơ sở điều trị, Sở Y tế yêu cầu thiết lập đường dây nóng hội chẩn, chuyển tuyến giữa các đơn vị khám chữa bệnh; phân công chế độ trực chuyên môn sẵn sàng tiếp nhận điều trị, đánh giá, chuyển tuyến bệnh nhân kịp thời; cập nhật các phác đồ điều trị theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế; đảm bảo thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất đáp ứng với yêu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân an toàn, hiệu quả.
Ngành Y tế TP. Đà Nẵng cũng đề nghị UBND các quận/huyện, các sở ngành phối hợp phòng, chống dịch SXH; chỉ đạo các xã, phường phối hợp tích cực với ngành y tế trong việc tiếp nhận thông tin ca mắc, ổ dịch SXH trên địa bàn, triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
Người dân dọn vệ sinh quanh khu vực nhà ở
Đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết. Đặc biệt lưu ý các điểm, bãi tập kết lốp xe, đồ phế thải, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nhà trọ/phòng trọ; đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy; Tăng cường vai trò của lực lượng cộng tác viên Dân số - Y tế trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch SXH và các bệnh truyền nhiễm khác.
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên theo Sở Y tế TP. Đà Nẵng, hiện còn một số khó khăn trong công tác phòng chống dịch SXH, nhất là việc nâng cao ý thức người dân. Phần lớn người dân còn thờ ơ, chưa tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và khu vực sinh sống một cách thường xuyên; đặc biệt là các dụng cụ như lốp xe, dụng cụ tưới cây, các chậu kiểng, bể cá không sử dụng, quạt nước ít được quan tâm để ý; các địa điểm như công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nhà từ đường,… có nhiều lăng quăng, bọ gậy nhưng khó xử lý.
Sở Y tế cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo ban hành các hướng dẫn về xử phạt các hành vi vi phạm công tác phòng, chống sốt xuất huyết (để phát sinh ổ lăng quăng, bọ gậy, không phối hợp diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất). Triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, tổng dọn vệ sinh môi trường trên phạm vi toàn thành phố.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...