Bệnh viện Đà Nẵng liên tục tiếp nhận nhiều ca mắc SXH nặng

Thứ tư - 27/07/2022 04:26
Tính từ tháng 6 trở lại đây, liên tục mỗi ngày Bệnh viện Đà Nẵng đều tiếp nhận hàng chục bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) chuyển tuyến từ các quận/huyện hoặc các tỉnh lân cận. Phần lớn các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng như xuất huyết, tụt tiểu cầu, một số trường hợp nguy kịch phải điều trị hồi sức tích cực. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân vẫn chủ quan với bệnh SXH.
BN SXH
          Như nhiều bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân Đ. C. H. ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu có biểu hiện ho sốt cao liên tục nhưng không rõ nguyên nhân, khi đi khám tại cơ sở y tế và theo dõi vài ngày sau đó mới phát hiện bản thân bị mắc SXH nhưng đã rơi vào tình trạng tụt tiểu cầu, li bì. Người thân của bệnh nhân cho biết, anh H có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ngày hôm sau lại sốt cao và mệt mỏi hơn. Đi khám, anh được chẩn đoán mắc SXH và cho về nhà điều trị. Hai ngày sau đi tái khám, kết quả anh bị tụt tiểu cầu và được chuyển xuống Bệnh viện Đà Nẵng.
          Theo thống kê của Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng, trong sáu tháng đầu năm nay, Bệnh viện thu dung điều trị khoảng 700 ca mắc SXH Dengue. Riêng từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 150 ca, trong đó có 8 ca rất nặng như: sốc, xuất huyết nặng, tổn thương gan cấp tính. Đáng báo động, theo các bác sĩ tại đây, trong số các ca nặng, nguy kịch phải can thiệp hồi sức tích cực có trường hợp là thanh niên. Hiện mỗi ngày khoa thu dung điều trị khoảng 70-80 bệnh nhân, hầu hết có dấu hiệu cảnh báo hoặc đã trở nặng.
          “Một số bệnh nặng có thể do độc lực của virus và có thể do tình trạng chủ quan của người bệnh. Người ta nghĩ là SXH là sẽ tự khỏi. Nhưng thật ra SXH Degue phải theo dõi sát, cần có sự thăm khám. Tránh tình trạng bệnh nhân choáng, tổn thương tạng không hồi phục. Nếu bệnh nhân nhập viện quá trễ, rơi vào tình trạng sốt mất bù thì rất khó điều trị, rất là nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao”, Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thị Hoa - Phó trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.
BN SXH 2
          Khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng có quy mô 100 giường vừa điều trị SXH, Covid-19 vừa bệnh lý truyền nhiễm khác. Trước tình trạng ca bệnh tăng nhanh tại khoa, Bệnh viện đã khẩn trương mở lại khoa Y học nhiệt đới cơ sở 2 tại Trung tâm Tim mạch với quy mô 40 giường thu dung bệnh nhân SXH thể nhẹ và cảnh báo. Cùng với đó, Bệnh viện cũng lập kế hoạch cử cán bộ vào TP. Hồ Chí Minh tập huấn về chuẩn đoán và điều trị SXH.
          “Hiện tại đang trong mùa dịch SXH, người dân có triệu chứng như là sốt cao 39-400C kèm theo tình trạng đau đầu, mỏi người, cần nghĩ ngay đến bệnh SXH, nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm chẩn đoán. Nếu mắc bệnh, tùy vào tình trạng mà bác sĩ sẽ cho nhập viện hoặc ở nhà theo dõi. Nếu ở nhà phải để ý tới dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng là: nôn mửa nhiều, đau bụng, xuất huyết, cần phải nhập viện sớm. Bệnh nhân SXH điều trị tại nhà cần thăm khám hàng ngày tại cơ sở y tế và tránh tình trạng chủ quan, tự ở nhà truyền dịch, dẫn đến bệnh nặng”, Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thị Hoa - Phó trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo.
                                                                                                                               Thư Anh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây