Sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh có lịch sử lâu đời và xuất hiện mạnh mẽ trở lại trong 20 năm qua. Tuy là bệnh không mới nhưng cho đến nay vẫn có không ít hiểu lầm về bản chất và quá trình chăm sóc, điều trị cũng như phòng bệnh.
Đã mắc SXH 1 lần thì không mắc lại nữa Nhiều người cho rằng, đã mắc bệnh SXH thì sẽ được miễn dịch suốt đời. Thực tế là vi rút này có 4 tuýp khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một tuýp vi rút Dengue nào, cơ thể sẽ miễn nhiễm suốt đời với tuýp đó, nhưng vẫn có thể mắc những tuýp còn lại. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan cho rằng, đã mắc SXH một lần thì không mắc bệnh lại nữa. Hết sốt là hết bệnh Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra thường có 2 triệu chứng cơ bản đó là sốt và xuất huyết. Sốt là triệu chứng đầu tiên với dấu hiệu đặc trưng là sốt đột ngột; sốt cao (39-40oC hoặc cao hơn), sốt liên tục, khó hạ, sờ vào trán thấy nóng ran. Do đó khi người bệnh hết sốt sẽ chủ quan cho rằng đã hết bệnh. Thực tế cho thấy, các biến chứng nặng của SXH thường xảy ra ở giai đoạn hết sốt (khoảng từ ngày thứ 4 tính từ khi bắt đầu sốt trở đi). Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu: mệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài; ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, đái ít tay chân lạnh. Những trường hợp này cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Mọi thuốc giảm đau, hạ sốt đều dùng được Thông thường khi bị sốt, người dân thường sử dụng các loại thuốc hạ sốt để giảm sốt mà không hề biết rằng khi bị bệnh SXH có một số loại thuốc tuyệt đối không được dùng là: Aspirin: khi bị sốt xuất huyết uống Aspirin sẽ gây chảy máu vì ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra không cầm được nhất là xuất huyết đường tiêu hóa. Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm. Nhóm thuốc kháng viêm không Steroid: đa số các thuốc trong nhóm như: Diclofenac, Diffunisal, Fenoprofen, Flurbiprofen, Ibuprofen, Indomethacin, Ketoprofen, Mefenamic acid, Naproxen, Piroxacam... cũng có tác dụng hạ nhiệt và giảm đau, giảm viêm. Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như Aspirin nhưng các kháng viêm không Steroid đều có tính này (với các mức độ khác nhau) nên cũng làm cho việc chảy máu trong SXH khó cầm. Do vậy không dùng nhóm thuốc này trong điều trị SXH. Thuốc kháng sinh: SXH do vi rút gây ra mà kháng sinh lại để diệt vi khuẩn, không có tác dụng trong điều trị SXH. Hơn nữa, trong SXH, máu bị cô đặc, dùng nhiều kháng sinh bao vây sẽ làm cho nồng độ kháng sinh trong máu cao, dễ gây tai biến. Không có lăng quăng/bọ gậy ở trong nhà Quan niệm sai lầm của không ít người là muỗi truyền bệnh SXH chỉ đẻ trứng và sống ở nơi ao tù nước đọng, còn muỗi chỉ bay vào nhà hút máu. Thực tế thì muỗi vằn có tập tính đẻ ở nơi nước trong như: lọ hoa để trên ban thờ, chậu cây cảnh chứa nước... Chúng hoàn toàn không đẻ nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người dân thường nghĩ. Đây là loại muỗi “siêu đẻ”, sau mỗi lần hút máu no khoảng 3 ngày chúng lại đẻ trứng một lần, mỗi lần đẻ từ 100-400 trứng. Một vòng đời (1- 2 tháng), muỗi có thể đẻ trứng khoảng từ 8 - 10 lần. Tuy nhiên trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp như vào mùa nóng ẩm, muỗi cái có thể sống kéo dài tới 3 tháng và số lần đẻ trứng lại nhiều hơn. Trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành chum vại và có thể tồn tại đến 6 tháng, chỉ cần khi có nước thì lập tức phát triển thành bọ gậy rồi hình thành muỗi. Vì thế, muỗi thường sống trong nhà và xung quanh hộ gia đình. Chính vì tập tính đẻ trứng như vậy nên muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Chỉ cần diệt muỗi là loại trừ được bệnh SXH Thực tế, vi rút có thể được truyền từ muỗi cái mang vi rút qua trứng muỗi, con cái của muỗi (lăng quăng/bọ gậy). Do đó, không thể chỉ diệt muỗi trưởng thành là phòng được bệnh SXH. Người dân khi đổ nước thì phải cọ rửa sạch các dụng cụ chứa nước bởi trứng vẫn bám vào đó và nằm im cho tới khi có nước lại thì trứng vẫn nở được bình thường. Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nước ta thường gặp các ổ bọ gậy trong các lọ hoa, bát chống kiến, khay nước tủ lạnh chiếm 37,12%; ở sọ dừa, rác thải ngoài vườn chiếm 12,31%; ở dụng cụ chứa nước sinh hoạt chiếm 40,15% và các giếng nước trong nhà có ánh sáng chiếu vào chiếm 10,42%. Đây là những nơi có nhiều bọ gậy, do đó chúng ta cần thực hiện các biện pháp như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thay nước và cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến... Thanh Trà
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...