Sốt – Khi nào nghĩ đến Sốt xuất huyết?

Thứ năm - 21/07/2022 21:49
Hiện nay, sốt xuất huyết Dengue đang tăng cao tại nhiều tỉnh/thành ở nước ta và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh đó, bệnh TCM ở trẻ em cũng gia tăng nhanh. Cùng với đó, Covid-19 vẫn đang hiện hữu. Các bệnh khác có dấu hiệu đầu tiên là sốt như sốt phát ban, sốt virus cũng đang có nhiều bệnh nhân cả trẻ em lẫn người lớn mắc.
          Vậy khi nào một người bị sốt sẽ nghĩ ngay đến SXH? Phân biệt với các loại sốt khác như thế nào?
          Sốt trong bệnh Sốt xuất huyết
          Sốt thường cao, khó hạ: Khởi phát của sốt xuất huyết là những cơn sốt đột ngột kéo dài suốt 3 - 4 ngày, người bệnh có thể sốt từ 39 đến hơn 400C. Sốt trong bệnh sốt xuất huyết khó giảm với thuốc hạ sốt paracetamol trong 3 ngày đầu.
sot

          Nhưng cũng có trường hợp sốt nhẹ: Mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu, nhiệt độ vượt quá 37,50C là bị sốt, do đó một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chỉ sốt nhẹ nên không để ý.
         Sốt đi kèm với những biểu hiện đặc trưng: Bệnh sốt xuất huyết có thể khiến cho cơ thể người bệnh trở nên đau nhức, đặc biệt là ở cơ và các khớp, đau hốc mắt, buồn nôn...
          Sau sốt là dấu hiệu xuất huyết: Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh bắt đầu giảm/hết sốt nhưng có thể xuất hiện nổi mẩn đỏ xuất huyết ở các mức độ khác nhau. Xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái ra máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).
          Sốt do COVID-19
          Sốt xuất huyết và COVID-19 khi khởi phát thường có những biểu hiện tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn (sốt, đau đầu, mỏi người, ớn lạnh), tuy nhiên khác nhau ở các triệu chứng đi kèm và diễn biến của sốt. Sốt trong bệnh Covid-19 có đặc điểm và triệu chứng đi kèm như sau:
          - Sốt (≥ 37,50C), ở trẻ em khởi phát thường sốt cao (≥ 38,50C) trong 2 ngày đầu sau đó tự hết sốt.
          - Đau đầu, đau họng, đau cơ hoặc đau cả người.
          - Cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi.
          - Ho, hụt hơi hoặc khó thở.
          - Mất vị giác hoặc khứu giác.
          - Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi.
          - Các triệu chứng tiêu hóa: buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng
          Sốt trong sốt phát ban
        Sốt phát ban có nhiều bệnh và tác nhân gây bệnh khác nhau, nhưng đặc điểm là có sốt và phát ban. Sốt phát ban chủ yếu gặp ở nước ta là bệnh sởi do virus sởi gây ra, bệnh Rubella do virus Rubella gây ra và bệnh do Rickettssia, trong đó ở Việt Nam hay gặp nhất là bệnh sốt mò.
sxh

Đối với bệnh sốt phát ban, hầu hết các trường hợp bắt đầu với triệu chứng sốt cao từng cơn (thân nhiệt có thể tăng lên 39 - 400C) và xuất hiện ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, có thể nôn mửa và phát ban đỏ. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt...
          Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa, có thể sớm xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa (phân lỏng, nhầy, không có máu và có thể nôn ói sau khi ăn). Hầu hết bệnh sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi người bệnh thường hết sốt, ăn được, da có thể bị nổi phát ban 3 -5 ngày rồi lặn.
          Sốt trong bệnh Tay-Chân-Miệng

 
tcm

          Tay Chân Miệng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 05 tuổi. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là:
          - Trẻ sốt cao 1-2 ngày, đau họng, đau miệng;
          - Xuất hiện loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi;
          - Nốt hồng ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và ở mông.
          Sốt virus và các bệnh đường hô hấp
          - Sốt cao từ 38,5 - 410C, đau khắp mình mẩy, đau đầu
          - Viêm đường hô hấp: ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ
          - Rối loạn tiêu hóa
          - Phát ban (mẩn đỏ, xuất huyết dưới da): thường xuất hiện 2 - 3 ngày sau khi sốt.
          - Viêm kết mạc: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt.
          - Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.
         Khi mắc các bệnh lý đường hô hấp, bệnh nhân thường có các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, rồi sau đó là thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái.
          Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết như hiện nay, cách tốt nhất để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên test Dengue (+) dương tính.
          Người dân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa được chẩn đoán bệnh. Việc dùng thuốc bừa bãi dễ làm bệnh nặng hơn, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.
                                                                                Thư Anh (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây