Phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới đối với học sinh

Thứ năm - 25/11/2021 07:46
Theo kết quả của Điều tra sức khỏe học sinh (từ 13 - 17 tuổi) toàn quốc năm 2019 và Khảo sát thực trạng phòng chống bệnh không lây nhiễm hơn 330 thanh thiếu niên Hà Nội năm 2019 của Bộ Y tế, tỷ lệ học sinh, thanh thiếu niên đã từng hút thuốc lá khoảng 8,3% (năm 2013 là 12,1%); có 2,6% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử vào năm 2019.
thuoc la dien tu
Đáng chú ý, thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam. Cùng với đó là gánh nặng “nghiện kép” khi người đang hút thuốc lá điếu thông thường sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng hút thuốc lá ở học sinh ngày càng tăng cao là do môi trường. Các em thường bị bạn bè lôi kéo, muốn chứng tỏ mình là người biết “chơi”, ảnh hưởng bởi kết quả học tập, hoàn cảnh gia đình… Cũng vì tò mò muốn biết xem hút thuốc lá cảm giác sẽ như thế nào. Với tâm lý hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần dần trở thành thói quen không bỏ được. Ngoài ra, để tìm mua được thuốc lá đối với các em là không khó bởi hệ thống bán hàng và phân phối sản phẩm, đặc biệt là việc bán lẻ thuốc lá ở các quán cà phê, các tiệm và các tủ thuốc lá ở ven đường ngày càng phổ biến. Theo điều tra tại Hà Nội và TP.HCM của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, Tổ chức Campain for Tobacco Free Kids, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m quanh mỗi trường học.
Hút thuốc càng sớm thì bệnh tật càng sớm và hậu quả càng nặng nề. Khi bắt đầu hút thuốc, thanh thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện của thuốc lá cũng như các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc nên thường đánh giá thấp nguy cơ nghiện Nicotine của mình. Với thanh thiếu niên, thuốc lá điện tử gây nghiện và có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não. Nồng độ Nicotine cao ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ. Hút thuốc ở trẻ em là nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như: nghiện ma túy, nghiện rượu bia...
thuoc la dien tu 2

Nhận thức rõ mối nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Đảng và Chính phủ đã ban hành các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện riêng này, cũng như không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Thay vào đó, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là trong các trường học. Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, và chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công chức, người lao động của ngành và học sinh, sinh viên.
Việc xây dựng trường học không khói thuốc lá không chỉ đem lại một môi trường học đường trong lành an toàn, bảo vệ sức khỏe cho mọi người mà còn hướng đến một nếp sống văn minh cho thế hệ tương lai, bắt đầu từ việc giáo dục cho cán bộ, giáo viên, học sinh sống lành mạnh vì chính mình và vì cộng đồng. Các trường cần đẩy mạnh và làm phong phú các hoạt động xã hội, trong đó có các hoạt động lối sống, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; gắn biển phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cổng trường; đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Bên cạnh đó, chú trọng công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường về giám sát học sinh tại nơi cư trú; tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nghiêm cấm việc mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm có hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại trường học. Mặt khác, nhà trường còn đưa công tác Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) vào tiêu chí thi đua của giáo viên và học sinh; khuyến khích giáo viên đưa nội dung PCTHTL vào giờ giảng một cách linh hoạt, phù hợp. Trang bị cho học sinh các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc từ bạn bè hoặc mọi người. Vận động các em nói không với thuốc lá. Coi trọng các các hình thức trực quan, các hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn, tọa đàm có chủ đề về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người; Sinh hoạt dưới cờ hàng tuần đều có tuyên truyền và đã cam kết không tàng trữ, không hút, không sử dụng các chất gây nghiện trong đó có thuốc lá.
Còn về phía gia đình thì thường xuyên quan tâm, quản lý chặt trong sinh hoạt hàng ngày của con cái về thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ bạn bè. Ngăn chặn không để các em tập hút, hút thuốc lá tại gia đình cũng như ở trường.
Trường học không chỉ chuyển tải kiến thức mà còn giáo dục, hình thành nhân cách học sinh, góp phần xây dựng môi trường phát triển lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập. Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh. Vì vậy việc phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học giúp các em học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước.
Anh Thơ (Tổng hợp)    

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây