Hiện nay đái tháo đường là một trong ba bệnh tăng lên song hành với tuổi già đó là bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Đối với bệnh nhân Đái tháo đường ngoài việc dùng thuốc điều trị kiểm soát glucose máu thì chế độ ăn cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng cần thiết cho bệnh nhân và không làm đường huyết tăng cao, kiểm soát đường huyết trong giới hạn cho phép.
Trái cây và rau củ Trái cây và rau xanh cung cấp ít calo nhưng lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Các loại thực phẩm này sẽ giúp hệ tiêu hóa của bệnh nhân đái tháo đường hoạt động tốt, đồng thời làm tăng thêm hương vị và sự đa dạng cho bữa ăn. Trái cây và rau củ còn giúp bảo vệ bệnh nhân đái tháo đường khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ và một số bệnh ung thư. Đây là những bệnh lý dễ phát triển khi người bệnh bị đái tháo đường. Các loại rau mà người bệnh có thể bổ sung vào chế độ ăn là bông cải xanh, cà rốt, rau lá xanh, ớt, cà chua, ngô. Còn các loại quả như dâu tây, việt quất, cam, lê, dưa, táo, chuối và nho là những loại trái cây có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Đồ uống Giữ đủ nước là điều quan trọng đối với tất cả mọi người, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường, bởi nước giúp tiêu hóa, bôi trơn khớp, đào thải độc tố, giảm độ dính của máu... Mùa Hè là thời điểm cần bổ sung nước nhiều hơn. Mất nước có thể tác động xấu đến lượng đường trong máu và làm giảm đáng kể năng lực thể chất và khả năng hoạt động của não bộ. Ngoài nước lọc, cần bổ sung các loại nước như: nước dừa, nước hoa quả, trà thảo mộc, nước ép dưa chuột… Sữa và các sản phẩm từ sữa Sữa, phô mai và sữa chua chứa nhiều canxi rất tốt cho xương và răng. Đây cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào có thể thay thế cho các bữa ăn nếu bệnh nhân chán ăn, khó ăn. Tuy nhiên, một số loại sữa và các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa nên người bệnh đái tháo đường cần lưu ý khi lựa chọn, bệnh nhân nên sử dụng các sản phẩm từ sữa chứa ít chất béo và đường. Lựa chọn khác có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường là các loại sữa hạt như sữa hạnh nhân, hạt điều, hạt phỉ, yến mạch, đậu nành, đậu phộng… Ngũ cốc nguyên hạt Ngũ cốc nguyên hạt chứa hàm lượng chất xơ cao và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc trắng đã qua tinh chế. Lượng chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp giữ ổn định lượng đường trong máu. Các loại ngũ cốc nguyên hạt cũng có chỉ số đường huyết thấp hơn so với các loại ngũ cốc trắng. Điều này có nghĩa là chúng sẽ ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn. Bệnh nhân đái tháo đường có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch đen, kiều mạch... Cá béo Protein là những hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc cấu tạo và duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Protein có nhiều trong thịt, trứng và cá. Người bệnh được khuyến nghị nên bổ sung các loại cá béo như cá thu, cá hồi và cá mòi vào chế độ ăn. Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế lượng thịt đỏ và thịt đã qua chế biến vì chúng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, ung thư. Protein có trong các loại cá này tạo cảm giác no lâu và giúp ổn định lượng đường trong máu. Các loại cá béo cũng rất giàu axit béo omega-3 góp phần giảm các dấu hiệu viêm nhiễm và hỗ trợ bảo vệ tim mạch. Thảo Ly