Những điều cần biết trong phòng, chống bệnh dại

Thứ tư - 28/02/2024 23:21
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, số người tử vong vì bệnh dại tăng 17% so với năm 2022, chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh dại mà không dẫn đến tử vong.
Vì sao bệnh dại lại nguy hiểm?
Ở Việt Nam, 80% bệnh nhân tử vong là do chó, 19% do mèo, ngoài ra còn có các động vật có vú khác như: dơi, chuột, khỉ. Các con vật này mắc dại, sau đó cắn, liếm, cào,… hoặc các hành động làm cho người tiếp xúc với nước bọt, truyền vi rút dại sang người.
Khi bị chó cắn, vi rút dại từ động vật xâm nhập qua vết thương, đi theo đường dây thần kinh ngoại vi (nó có ái lực với thần kinh, khi vào người thì tìm dây thần kinh để bám vào) rồi lên não gây tổn thương tế bào thần kinh trung ương, dẫn đến tử vong.
Thời gian ủ bệnh từ 10 ngày đến 1 năm, trung bình từ 20 ngày đến 60 ngày. Nghĩa là từ khi nhiễm vi rút, trong khoản thời gian từ 10 ngày đến 1 năm, trung bình từ 20 ngày đến 60 ngày thì người bị động vật mắc dại cắn mới biểu hiện triệu chứng đầu tiên. Lý do có thời gian này là tùy theo vết cắn (gây vết thương sâu hay nông, nặng hay nhẹ, nhiều hay ít, gần trục thần kinh không), vi rút bám vào thần kinh ngoại vi cần thời gian di chuyển để đến thần kinh trung ương, tốc độ trung bình khoảng 5-15mm mỗi ngày để bắt đầu quá trình "tàn phá". Bởi vậy 1 người sau khi bị động vật mắc dại cắn, 2-3 tháng sau (hoặc lâu hơn) mới có triệu chứng (khi tấn công tới hệ thống thần kinh trung ương, sẽ bắt đầu có triệu chứng) rồi tử vong là bình thường.
Từ lúc biểu hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tử vong là 2-5 ngày (rất nhanh). Các triệu chứng thường gặp của bệnh dại (các triệu chứng của hệ thần kinh) là: lo lắng, thay đổi tính tình, kích thích, co cứng, run rẩy tay chân, co giật, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, sùi bọt ở miệng hoặc có thể tê liệt. Tử vong do ngừng hô hấp, ngừng tim, ngừng tuần hoàn.
Vậy khi bị động vật cắn/cào thì cần phòng bệnh như thế nào?
Sau khi bị động vật cắn/cào, phải nhanh chóng rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng, thuốc sát khuẩn sẵn có, povidine, oxi già, cồn, cồn iot, Ete,… Cần chú ý rửa thật kỹ, thật sạch toàn bộ vết thương nhằm mục đích ngăn chặn và cản bước vi rút dại tiến vào cơ thể, bám vào thần kinh ngoại vi; tuy nhiên không nên làm dập nát vết thương, không băng kín vết thương (vì vi rút có thể len lỏi dễ vào sâu hơn). Sau khi vệ sinh vất thương sạch sẽ, phải đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc xin/huyết thanh. Tuyệt đối không “cào”, “vuốt”, “hút”, “chích”, “lể”, “liếc”, “đặt ngọc”, hoặc thực hiện các hành vi mê tín dị đoan khác…
PC bệnh dại

Tiêm vắc xin để cơ thể tạo ra kháng thể chống lại con vi rút dại (nếu có nó). Phát đồ tiêm vắc xin dại phổ biến là tiêm bắp, vào các ngày 0-3-7-14-28 (mũi 1: ngày đầu tiên đến cơ sở y tế; mũi 2: 3 ngày sau mũi 1; mũi 3: 4 ngày sau mũi 2; mũi 4: 7 ngày sau mũi 3; mũi 5: 14 ngày sau mũi 4).
Vì sao phải tiêm nhiều như vậy? Vì vi rút di chuyển trung bình khoảng 5-15mm mỗi ngày, mà vắc xin thì tiêm 2 mũi đầu chưa tạo được kháng thể, 7 ngày sau khi tiêm mũi 1 mới bắt đầu tạo kháng thể, 1 tháng sau khi tiêm mũi 1 mới bắt đầu đạt kháng thể tối đa.
Có 1 chi tiết là nếu con vật mắc dại, nó không sống quá 10 ngày kể từ ngày nó nhiễm vi rút, vậy chỉ cần theo dõi nó trong khoảng 10 đến 15 ngày mà nó không chết thì yên tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp đang theo dõi 7-8 ngày thì con vật lăn ra chết hoặc mất tích, lúc này mới hối hả đi tiêm thì có thể đã muộn, hối hận không kịp.
Trong quá trình tiêm vắc xin theo phát đồ 5 mũi nêu trên, khi tiêm xong đến mũi thứ 3 mà con vật không chết thì có thể ngừng tiêm. Nhưng nếu con vật chết hoặc mất tích hoặc vì lý do gì đó (đi công tác, đi du lịch,…) không theo dõi con vật được ít nhất 10 ngày thì phải tiêm đủ 5 liều như trên. Ngoài ra, tiêm đủ 5 liều có lợi ích là sau này khi bị cắn lại chỉ cần tiêm 2 liều (trong ngày đầu và 3 ngày sau nhắc lại) là được, không cần tiêm 5 liều thêm lần nữa. Ngoài ra, sau khi tiêm đủ 5 liều thì 1 năm sau tiêm nhắc lại, cứ 5 năm nhắc lại một lần thì sẽ có được kháng thể lâu dài, sau này khi bị động vật cắn/cào lại thì chỉ cần tiêm 2 liều là đủ.
Khi nào cần tiêm huyết thanh?
Trong huyết thanh đã có chứa sẵn kháng thể, không như vắc xin là tiêm vào thì cơ thể mới tạo ra kháng thể. Tiêm huyết thanh vào để kháng thể đi tìm và diệt con vi rút dại (nếu có nó). Huyết thanh được chỉ định trong trường hợp vết cắn/cào sâu, nhiều vết, gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục, mông, đùi. Ngoài ra, tiêm huyết thanh dại ngay khi vết cắn/cào chảy máu ở vùng xa thần kinh trung ương mà con vật chết, mất tích hoặc không theo dõi được con vật. Có trường hợp tiêm huyết thanh rồi vẫn tử vong vì nồng độ vi rút dại trong cơ thể đã quá nhiều mà lượng huyết thanh tiêm vào chưa đủ.
Tùy trường hợp mà nhân viên y tế sẽ chỉ định tiêm vắc xin, huyết thanh hoặc tiêm cả huyết thanh, vắc xin.
Vậy bao lâu sau khi bị cắn/cào là cần tiêm vắc xin/huyết thanh? Càng sớm càng tốt, nếu không tiêm huyết thanh được ngày đầu, có thể tiêm bất cứ ngày nào cho đến ngày thứ 7 sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên. Nếu đến tiêm trễ mà không biết tình trạng con vật có khỏe mạnh sau khi cắn/cào trong 10 ngày thì được xem như là một trường hợp bắt buộc chỉ định huyết thanh.
Vậy chó, mèo nhà nuôi hoặc chó mèo đã tiêm phòng rồi, vết cào nhẹ, vết liếm, vết trầy không chảy máu có cần tiêm vắc xin/huyết thanh không?
Tiêm vắc xin cho chó, mèo có thể chưa đủ hiệu lực bảo vệ con vật khỏi bệnh dại; mà nếu vắc xin dại cho chó mèo có đủ hiệu lực thì chỉ bảo vệ được con vật đó, vi rút dại (mà nó lây từ con vật khác) vẫn tồn tại trên nước bọt của nó. Vì vậy, con vật này vẫn có khả năng truyền vi rút dại qua người nếu nó gây tổn thương cho người.
Con vật cào nhẹ vẫn có thể truyền vi rút dại qua người. Lý do thứ nhất là có vết thương gây chảy máu nhỏ trên người mắt thường không nhìn thấy được, thứ hai là con vật có vi rút dại ở tuyến nước bọt không thể loại trừ tình huống vi rút dại có thể dính nơi móng vuốt của nó. Con vật còn nhỏ tháng tuổi càng phải nên tiêm vì nó ít có khả năng tự bảo vệ nó khỏi bệnh dại/vi rút dại. Chó, mèo nhà nuôi thì cũng cần phải xem nó có khi nào tiếp xúc với con vật lạ không? Có chắc chắn là nó ở nhà chỉ 24/24 trong 10 ngày qua không? Nếu không chắc chắn thì hãy đi tiêm ngay, vì mạng sống là trên hết.
Vậy tiêm vắc xin/huyết thanh dại có bị ảnh hưởng gì không? Có học kém, có giảm trí nhớ, giảm thông minh không?
Tiêm vắc xin/huyết thanh dại có thể xảy ra sốt nhẹ, nổi mề đay, sưng, ban đỏ từ nơi tiêm, ngứa phù nề, đau khớp, mệt mỏi…Điều này cho thấy rằng cơ thể đang phản ứng lại với vắc xin, sản xuất ra kháng thể chống lại hoạt động của vi rút dại (nếu có nó), các phản ứng phụ ở mức độ nhẹ sẽ tự khỏi. Trường hợp nặng có thể bị choáng, sốc phản vệ (rất hiếm gặp).
Một điều cần khẳng định là tiêm vắc xin/huyết thanh dại không gây ảnh hưởng đến trí nhớ và thần kinh như nhiều lời đồn đoán. Ở nhiều nước trên thế giới,  không bị con vật nào cắn người ta cũng đi tiêm vắc xin dại từ người nhỏ đến người lớn. Các vắc xin phòng dại hiện nay đều là vắc xin thế hệ mới mang nhiều ưu điểm vượt trội so với vắc xin thế hệ cũ (nay đã không còn trên thị trường). Dù được sản xuất từ nhiều hãng khác nhau nhưng các loại vắc xin ngừa dại thế hệ mới đều an toàn và hiệu quả hơn hẳn so với vắc xin thế hệ cũ, dùng được cho cả 2 trường hợp trước và sau phơi nhiễm, sử dụng an toàn cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú. Hoàn toàn không có bất kỳ ảnh hưởng nào có hại đến trí nhớ, hệ thần kinh hay làm giảm tuổi thọ./.
BS. Nguyễn Trí Thức
(Phòng NVY - Sở Y tế)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây