ĐÀ NẴNG: CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN DUY TRÌ ỔN ĐỊNH
Thứ hai - 26/04/2021 03:07
Trong 3 tháng đầu năm, hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản được các tuyến chủ động lên kế hoạch, tổ chức thực hiện và ngày càng đi vào quy củ. Bước đầu các tuyến đã chú trọng đẩy mạnh các nội dung mới như dự phòng ung thư cổ tử cung; dự phòng lây truyền các bệnh từ mẹ sang con; chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên- thanh niên; triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em...
Giao ban mạng lưới chăm sóc SKSS toàn thành phố
Nhìn chung, tỷ lệ mổ đẻ toàn thành phố có giảm so với cùng kỳ 2020 nhưng tỷ lệ mổ đẻ ở bệnh viện quận huyện tăng hơn (54,8%) , Bệnh viện Phụ sản Nhi tỷ lệ mổ đẻ có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2020 ( 58,9%). Các hoạt động do lĩnh vực Sức khỏe sinh sản phụ trách chủ yếu là hệ quả của chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước và trong mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ vẫn đảm bảo duy trì ổn định về chất và lượng. Nạo phá thai chung có giảm hơn so với cùng kỳ 2020. Trong dịch vụ kỹ thuật này, nhiều cơ sở y tế tư nhân được cấp phép hoạt động nhưng chưa thực hiện báo cáo hoạt động, việc kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro phát sinh sự cố y khoa.
Công tác tư vấn xét nghiệm sàng lọc, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con duy trì ổn định, cơ bản tuân thủ quy định của Bộ Y tế và quy trình chuyển tiếp, chuyển tuyến điều trị trong dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con của thành phố Đà Nẵng (theo Quyết định 641/QĐ-SYT và Quyết định 806/QĐ-SYT). Việc tư vấn xét nghiệm sàng lọc viêm gan B và giang mai cho bà mẹ có thai triển khai khá đồng bộ tại các tuyến, tuy nhiên cần thống nhất một quy chế phối hợp trong bối cảnh cung cấp dịch vụ dự phòng chưa đầy đủ tại các đơn vị sản - nhi.
Các hoạt động dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung được các tuyến quan tâm đẩy mạnh hơn với quy định báo cáo bắt buộc theo Thông tư 37/TT-BYT và đưa vào chỉ tiêu kế hoạch năm, qua đó phát hiện và điều trị sớm các tổn thương nghi ngờ. Tuy nhiên, điểm hạn chế (tương tự chương trình làm mẹ an toàn) là chưa có hệ thống quản lý dữ liệu ung thư cổ tử cung để theo dõi hiệu quả của chương trình.
Công tác báo cáo thống kê đã triển khai thực hiện báo cáo phần mềm, báo cáo theo quy định. Tuy nhiên, một số chỉ số đánh giá cần thiết của chương trình chưa cập nhật bổ sung vào biểu mẫu của phần mềm từ Bộ Y tế nên thiếu cơ sở đánh giá. Khoa SKSS phải thu thập số liệu báo cáo bổ sung từ các tuyến nên còn bất cập.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn đọng cần quan tâm trong thời gian đến như: Tỷ lệ mổ đẻ cao, chưa tìm được giải pháp cải thiện qua nhiều năm nay; Chưa có giải pháp kết nối dữ liệu quản lý từ các đơn vị khám chữa bệnh trong hệ thống CSSKSS (chỉ dừng ở báo cáo số liệu) nên không thể lọc, trích xuất, chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ quản lý cho các đơn vị y tế cơ sở.
Đảm bảo duy trì chất lượng quản lý thai, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con
Trong thời gian đến, Trung tâm sẽ từng bước khắc phục các tồn tại để nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc SKSS. Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung các can thiệp thiết yếu để duy trì giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ em; trong đó đảm bảo duy trì chất lượng quản lý thai, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con; chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày vàng đầu đời, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh; Huy động nguồn lực, tìm kiếm giải pháp để triển khai các nội dung hoạt động mới theo chỉ đạo của Bộ Y tế: Sổ mẹ và bé điện tử, Phần mềm cân bằng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; loại trừ các bệnh HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con; dự phòng ung thư cổ tử cung và ung thư vú; chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên - thanh niên...
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...