HÃY ĐỐI MẶT VỚI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thứ sáu - 06/11/2020 02:21
Đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh đã trở nên phổ biến trong thời đại hiện nay. Khi mắc bệnh, cuộc sống của bạn sẽ có ít nhiều thay đổi. Bạn không thể làm gì hơn là phải chấp nhận và học cách chung sống suốt đời với nó vì đây là căn bệnh không chữa khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, cuộc sống của bạn vẫn có thể diễn ra hết sức bình thường, khỏe mạnh nếu biết cách kiểm soát tốt căn bệnh này.
HÃY ĐỐI MẶT VỚI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
          Đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh đã trở nên phổ biến trong thời đại hiện nay. Khi mắc bệnh, cuộc sống của bạn sẽ có ít nhiều thay đổi. Bạn không thể làm gì hơn là phải chấp nhận và học cách chung sống suốt đời với nó vì đây là căn bệnh không chữa khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, cuộc sống của bạn vẫn có thể diễn ra hết sức bình thường, khỏe mạnh nếu biết cách kiểm soát tốt căn bệnh này.
          Độ phổ biến của bệnh ĐTĐ hiện nay
          ĐTĐ là bệnh không lây nhiễm có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Đây được xem là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư ở các nước phát triển. Sự bùng nổ của ĐTĐ tuýp 2 và những biến chứng của bệnh đang là thách thức lớn đối với cộng đồng.
          Thống kê của Hiệp hội ĐTĐ quốc tế IDF, trong năm 2019, chỉ riêng bệnh ĐTĐ tuýp 2, thế giới đã có 463 triệu người mắc. Chỉ trong 10 năm nữa, con số mắc này được dự đoán sẽ tăng lên thành 578 triệu người, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh.
          Còn tại Việt Nam, thống kê của Hiệp hội Nội Tiết và ĐTĐ Việt Nam, ước tính trên cả nước có 7 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, chiếm khoảng 8% dân số. Đáng chú ý là số trẻ em mắc bệnh này cũng ngày một tăng, trong khi các em đang ở độ tuổi phát triển.
          Lối sống ít vận động, béo phì, ăn uống thiếu lành mạnh, luyện tập không đúng cách... được cho là những yếu tố nguy cơ khiến bệnh ĐTĐ ngày càng gia tăng hiện nay.   
          Đừng lo lắng, hãy học cách kiểm soát nó
 
0611201

          Nhiều người thường rất lo lắng khi phát hiện mình mắc bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, stress có thể khiến người bệnh bỏ bê bản thân, không chú ý điều trị, khiến cho bệnh trở nên nặng hơn.
          Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh ĐTĐ không còn cách nào khác là phải học cách kiểm soát lượng đường huyết để chung sống an toàn với bệnh. Vậy nên kiểm soát bệnh ĐTĐ như thế nào? Câu trả lời là:
          - Không hút thuốc lá: Tất cả bệnh nhân ĐTĐ nhất là ĐTĐ tuýp 2 không nên hút thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác.
          - Hạn chế rượu, bia, nước ngọt có đường: Với những người sử dụng nhiều rượu, bia, nguy cơ hạ đường huyết (đặc biệt đối với những người sử dụng liệu pháp insulin hoặc dùng thuốc kích thích tiết insulin), tăng cân và tăng đường huyết sẽ cao hơn.
          - Ngủ đủ giấc: Khuyến cáo nên ngủ khoảng 7 giờ/mỗi ngày. Thiếu ngủ làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin, tăng huyết áp, tăng đường huyết và rối loạn lipid máu.
          - Kiểm soát cân nặng: Điều này rất quan trọng đối với những người bệnh ĐTĐ có thừa cân-béo phì. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, kiểm soát cân nặng tốt có thể làm trì hoãn tiến triển từ tiền ĐTĐ sang ĐTĐ tuýp 2 và có lợi trong quản lý bệnh ĐTĐ tuýp 2. Kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì dựa vào:
          + Trọng lượng lý tưởng = Chiều cao (cm)-100 x [Chiều cao (cm)-150]/N (N=4 ở nam và =2 ở nữ.
          + Chỉ số khối cơ thể BMI < 23.
          + Vòng bụng < 90 cm ở nam và < 80 cm ở nữ.
          - Dinh dưỡng đúng cách:
          + Thực phẩm nên dùng:
          * Các loại gạo (nên chọn gạo lứt, hạt ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở), mì, ngô,khoai, sắn…
* Đậu tương và các sản  phẩm chế biến từ đậu tương.
* Thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc động vật ít béo: thịt nạc, cá, tôm…
* Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng…).
          * Ăn đa dạng các loại rau. Chọn các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình như thanh long, bưởi, ổi…
          + Thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế:
* Không nên dùng các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường, các loại quả sấy khô.
* Hạn chế dùng miến dong, bánh mì, khoai củ nướng, phủ tạng động vật, các loại quả có hàm lượng đường cao như táo, na, nhãn, vải, chôm chôm, chuối…
          + Bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1 nên tập trung các chất dinh dưỡng vào bữa ăn chính có chích insulin tác dụng nhanh. Còn bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 nên chia 5, 6 bữa ăn (3 bữa chính và 2 hoặc 3 bữa phụ) phù hợp với loại thuốc hạ đường huyết đang sử dụng. Nên sử dụng các thực phẩm có nhiều chất xơ và giảm tiêu thụ muối.
          - Tích cực hoạt động thể lực: Theo các chuyên gia, bệnh nhân tiền ĐTĐ, ĐTĐ tuýp 1 hoặc tuýp 2 trẻ tuổi phải tham gia thể dục cường độ trung bình hoặc cao ít nhất 60 phút/ngày cùng với các hoạt động kháng lực cơ mạnh ít nhất 3 ngày/tuần
          Đối với bệnh nhân ĐTĐ lớn tuổi hàng ngày nên giảm thời gian tĩnh tại, không nên ngồi lâu trên 30 phút. Nên tham gia hoạt động thể lực cường độ vừa phải đến cao ít nhất 150 phút/ tuần, trải dài ít nhất 3 ngày/tuần và không nên nghỉ không hoạt động quá 2 ngày liên tiếp.
          Chú ý: Người sức khỏe yếu hoặc có bệnh lý tim mạch cần thận trọng khi hoạt động thể lực vào buổi sáng sớm. Tránh hoạt động thể lực khi thời tiết thay đổi đột ngột và ngưng hoạt động thể lực khi huyết áp ≥180/100mmHg.
          - Sử dụng thuốc và kiểm tra đường huyết:  
          Phải tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Uống đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ. Không tự tiện đưa thuốc của bạn cho người khác uống. Khi uống thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nếu xuất hiện tác dụng phụ phải ngưng dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ.
          Kiểm tra glucose máu tại nhà mang lại rất nhiều lợi ích. Sau mỗi lần đo nên ghi chép rõ thời gian, kết quả để dễ dàng so sánh. Không cần thiết phải kiểm tra đường máu liên tục trong ngày và phải đo luân phiên ở các đầu ngón tay. Không tiến hành lấy máu nếu bạn cảm thấy đau nhức ở đầu ngón tay.
          Việc kiểm soát tốt đường máu không chỉ giúp an toàn hơn cho bệnh nhân mà nó còn giúp người bệnh bớt nguy cơ suy giảm trí nhớ. Một nghiên cứu của Trường đại học Glasgow và Gothenburg ở Thụy Điển tiến hành trên 378.299 bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 và 1.886.022 người bình thường. Kết quả cho thấy, kiểm soát đường huyết kém làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ. So với những bệnh nhân có HbA1C <7% thì những bệnh nhân có HbA1C >10% có nguy cơ bị sa sút trí tuệ do mạch máu tăng 93%, nguy cơ bị sa sút trí tuệ không do mạch máu tăng 67% và nguy cơ bị sa sút trí tuệ liên quan với Alzheimer tăng 34%.
          Tốt nhất vẫn là cố gắng không để mắc bệnh
         
0611202

          Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp phòng tránh bệnh ĐTĐ tuýp 1. Tuy nhiên đối với ĐTĐ tuýp 2, rèn luyện thói quen sống lành mạnh có thể giúp bạn không phải sống chung với căn bệnh này. Thói quen sống lành mạnh bao gồm kiểm soát huyết áp, dinh dưỡng lành mạnh, cai thuốc lá, giữ cơ thể không bị béo phì và tăng cường rèn luyện thể dục thể thao cũng như nghỉ ngơi thư giãn.
          Điều quan trọng nữa là phải khám tầm soát bệnh ĐTĐ sớm. Nhiều người không biết mình bị mắc bệnh cho đến khi tình cờ khám bệnh mới phát hiện, có những bệnh nhân thậm chí đã xuất hiện biến chứng. Vì vậy những đối tượng sau nên khám tầm soát bệnh ĐTĐ:
          + Người trên 45 tuổi, nhất là những người thừa cân hay béo phì (BMI > 25).
          + Người ít vận động.
          + Có bố hay mẹ đẻ bị ĐTĐ.
          + Sinh con to, cân nặng lúc sinh của đứa trẻ lớn hơn 4 kg hoặc đã được chẩn đoán là ĐTĐ thai kỳ.
          + Bị tăng huyết áp, bị hội chứng buồng trứng đa nang.
          + Đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết khi đói.
          + Có tiền sử bị các bệnh về mạch máu.

 
                                                                                     Thư Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây