Ngày 17/5 hằng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp Thế giới chọn làm “Ngày Tăng huyết áp Thế giới” nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống bệnh Tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch trên thế giới. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ bốn người trưởng thành thì có một người mắc. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị. Vì vậy, ngày 17/5 hằng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn làm “Ngày Tăng huyết áp Thế giới” nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Ngày Tăng huyết áp Thế giới năm 2023 với chủ đề “Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống khỏe”, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động truyền thông, đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch với một số nội dung như: Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để dự phòng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, tập trung vào chủ đề giảm ăn muối, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và tăng cường hoạt động thể lực. Hướng dẫn, vận động người dân thường xuyên đo huyết áp để phát hiện sớm tăng huyết áp. Khuyến cáo tới mọi người dân đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở, tổ chức đo huyết áp cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, tăng cường công tác phát hiện sớm, dự phòng cho người nguy cơ cao và quản lý điều trị cho người mắc tăng huyết áp, đồng thời tư vấn, hướng dẫn để người bệnh biết tuân thủ điều trị và chăm sóc tại nhà.
Theo khuyến cáo của bác sỹ chuyên khoa tim mạch bệnh Tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh dưới đây:
- Chế độ ăn hợp lý: Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc thô, cá, nên dùng chất béo không bão hòa từ dầu ôliu, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu đầu nành; dùng dưới 5g muối/ngày; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; chất bột đường, thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá, thuốc lào.
- Nếp sinh hoạt lành mạnh: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn; không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm. Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.
- Hoạt động vận động thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh Tăng huyết áp. Bệnh Tăng huyết áp nếu được phát hiện sớm, nhiều trường hợp có thể điều trị không dùng thuốc thông qua điều trị nguyên nhân gây bệnh, thông qua điều chỉnh lối sống với chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường tập thể dục.
Mỗi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe hoặc đo huyết áp tại nhà để phát hiện sớm bệnh Tăng huyết áp. Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người đã mắc Tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của mình và của các thành viên trong gia đình.
Quy trình đo huyết áp đúng theo Quyết định số 3192/QĐ-BYT ngày 31/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế:
1. Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp.
2. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
3. Tư thế đo chuẩn: Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim, chân chạm sàn, không bắt chéo chân (Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng). Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
4. Quấn băng quấn đủ chặt trên cánh tay, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
5. Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập
6. Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
7. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
8. Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.
Người bị bệnh Tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài tại cơ sở y tế và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ./.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...