Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) được coi là “kẻ giết người” thầm lặng và là một trong những bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể. Đối với các bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 có nguy cơ gặp các biến chứng ở mắt, đặc biệt là bệnh lý võng mạc ĐTĐ.
Đái tháo đường là 1 trong 3 bệnh (sau ung thư và tim mạch) có tốc độ phát triển rất nhanh và thường gây tàn phế, tử vong nhiều nhất hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, số người mắc bệnh đái tháo đường chỉ riêng khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ tăng từ 138 triệu người năm 2014 lên 202 triệu người vào năm 2035 nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20 -79) mắc bệnh đái tháo đường nhưng có tới hơn 60% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường.... Đặc biệt, bệnh đái tháo đường type 2 trước đây chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng thời gian gần đây, bệnh đã được phát hiện ở trẻ em.
Bệnh ĐTĐ được coi là “kẻ giết người” thầm lặng và là một trong những bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể. Đối với các bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 có nguy cơ gặp các biến chứng ở mắt, đặc biệt là bệnh lý võng mạc, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể suy giảm thị lực nhanh chóng và dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.
Bệnh võng mạc ĐTĐ xảy ra do tình trạng tổn thương mạch máu ở võng mạc mắt. Biến chứng này nguy hiểm và tiến triển phức tạp gây nên các bệnh lý như phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc…Chụp đáy mắt để phát hiện bệnh Võng mạc ĐTĐ
Giai đoạn mạch máu chưa tăng sinh: Mắt chưa có triệu chứng rõ rệt, bác sĩ phải chụp đáy mắt để phát hiện bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể xuất hiện chứng phù hoàng điểm với các triệu chứng là mờ mắt, tầm nhìn bị thu hẹp hay hình ảnh nhìn thấy biến đổi khác nhau với hai mắt.
Giai đoạn mạch máu tăng sinh: Giai đoạn này tầm nhìn của người bệnh sẽ bị hạn chế đáng kể, mắt có thể bị đau, đỏ, nhức hốc mắt. Nếu nặng hơn sẽ xuất hiện những vệt máu và đốm đỏ trôi nổi trong tầm nhìn thậm chí có thể bị xuất huyết.
Cách tốt nhất để phòng, chống các biến chứng về mắt, đặc biệt là bệnh lý võng mạc là người bệnh cần kiểm soát tốt và tích cực chỉ số đường huyết ngay từ khi mới phát hiện bệnh đái tháo đường. Khi chưa có biến chứng mắt, người bệnh đái tháo đường cần được khám chuyên khoa mắt định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng mắt. Nếu phát hiện biến chứng tại mắt, người bệnh cần kiên trì, tuân thủ theo lời khuyên, phác đồ điều trị và lịch tái khám của bác sĩ để bảo vệ thị lực.