CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thứ năm - 20/06/2024 04:23
Môi trường là không gian sống của con người và các loài sinh vật. Đây chính là nơi cung cấp những tài nguyên thiên nhiên như rừng, khoáng sản, động thực vật quý hiếm,… và những yếu tố vật chất nhân tạo có mối quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng tới đời sống, quá trình tồn tại và phát triển của con người. Nhưng đây cũng chính là nơi chứa những chất thải mà con người tạo ra.
011
Môi trường (hình minh họa)

Phân loại môi trường
Môi trường tự nhiên: Bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, ít nhiều cũng sẽ chịu tác động của con người. Đây là nơi cung cấp cho ta không khí để thở, đất để xây dựng nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi, và các loại tài nguyên khoáng sản cần cho sản xuất, tiêu thụ và là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải, nơi giải trí…
Môi trường nhân tạo: Bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm tiện nghi cho cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, công viên, khu vui chơi…
Có thể hiểu môi trường là tất cả các yếu tố như tài nguyên, không khí đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội. Vì vậy, môi trường có vai trò cực kì quan trọng và mang tính sống còn với con người.
Vai trò của môi trường
  • Cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết như đất, nước, rừng, khoáng sản, biển... cho cuộc sống và các hoạt động sản xuất.
  • Chứa đựng các chất thải và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất và sinh sống của con người.
  • Cung cấp các dịch vụ môi trường hay hệ sinh thái (đa dạng, toàn vẹn hệ sinh thái, và ngăn cản bức xạ tia cực tím) giúp hỗ trợ các sự sống trên Trái Đất.
  • Là nơi tạo nên các giá trị tâm lý, thẩm mỹ và tinh thần.
Biểu hiện của sự ô nhiễm môi trường
  • Ô nhiễm môi trường được hiểu là việc chuyển các chất thải hoặc năng lượng vào môi trường đến mức có khả năng gây hại đến sức khỏe con người, sự sống của các loài sinh vật, làm giảm chất lượng môi trường.
  • Môi trường ô nhiễm điển hình như khi thiên nhiên, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng nhiệt độ cao, mưa bão, lũ quét xuất hiện thất thường, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng, hàng loạt loài động vật bị tuyệt chủng hay đứng trước bờ vực tuyệt chủng, cháy rừng trên diện rộng…
  • Việc khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự tái sinh, gây các hậu quả như cháy rừng, biến đổi khí hậu, hiện tượng hiệu ứng nhà kính, băng tan, mưa axit,…
Các biện pháp bảo vệ môi trường
Môi trường sống hiện nay ngày càng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đất,… điều đó đã và đang đe dọa tới cuộc sống của con người. Nếu chúng ta không có những biện pháp hành động tích cực sẽ đẩy tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Để khắc phục ô nhiễm môi trường, chúng ta cần thực hiện thời gian lâu dài. Các giải pháp bảo vệ môi trường có thể kể đến như:
          Trồng nhiều cây xanh: Cây xanh chính là nguồn cung cấp oxy cho bầu không khí và là nguồn hấp thụ khí cacbon, giảm xói mòn đất và hệ sinh thái. Vì thế nên trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà để được hưởng không khí trong lành.
012
 
Trồng cây xanh để hưởng không khí trong lành (hình minh họa)

          Sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên: Thuốc bảo vệ thực vật hay các loại hóa chất sử dụng trong vệ sinh hàng ngày là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh như ung thư, Parkinson và các bệnh liên quan đến não. Vì vậy, nên sử dụng các loại dụng cụ, chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Sử dụng năng lượng sạch: Chúng ta nên và cần thay đổi thói quen về việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo như năng lượng từ gió, ánh nắng mặt trời… vì việc sản xuất và tiêu thụ chúng không làm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính như sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch.
          Tiết kiệm điện: Nhiều người có thói quen để nguyên phích cắm trong ổ điện ngay cả khi không dùng đến các thiết bị điện (Tivi, quạt, sạc điện thoại, máy tính…) Hành động này vô tình gây lãng phí một lượng điện tương đối lớn vì ngay cả trong chế độ chờ các thiết bị này cũng làm tiêu hao năng lượng điện. Do đó, tốt hơn hết, nên nhớ rút phích cắm ra khỏi ổ hoặc tắt nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng. 
          Hạn chế sử dụng túi nilon: Túi nilon phải mất đến hàng trăm, hàng nghìn năm mới có thể bị phân hủy sinh học, nên chúng có thể tồn tại trong môi trường và gây hại cho loài người cũng như rất nhiều sinh vật sống trong nước, trong đại dương… Vì vậy hãy sử dụng giấy hay các loại lá, giỏ tre, nứa… để gói sản phẩm thay vì sử dụng túi nilon. 
          Tiết kiệm giấy: Hạn chế sử dụng giấy giúp cho tần suất chặt phá cây để sản xuất giấy sẽ giảm. Từ đó giảm lượng khí thải CO2, giảm chất thải rắn ra ngoài môi trường. Hãy tiết kiệm giấy bằng cách tái sử dụng nhiều lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ chúng sẽ làm giảm thiểu nước thải, cải thiện chất lượng nước hiệu quả.
Ưu tiên sản phẩm tái chế: Với cách này ta có thể tận dụng chất thải nhựa để tạo ra những sản phẩm mới có ích trong cuộc sống. Việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế sẽ làm sạch môi trường hiệu quả, tái sử dụng tài nguyên đồng thời tạo việc làm cho người lao động.
Nâng cao ý thức sống: Luôn có ý thức bảo vệ môi trường. Các hoạt động vì môi trường xanh, giờ Trái Đất.. đều có tác dụng nâng cao nhận thức của mọi người.
Hãy bắt đầu từ những biện pháp nhỏ để cùng chung tay bảo vệ môi trường. Bởi đây là việc làm không của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn xã hội, vì sức khỏe chính bạn và cộng đồng.
 Anh Thơ (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây