Mắc ung thư thường sẽ là một cú sốc lớn với người bệnh và người thân, một bước ngoặt có thể khiến nhiều thứ trong cuộc đời người bệnh thay đổi. Việc điều trị bệnh có hiệu quả hay không không chỉ bằng các can thiệp y học mà còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố tinh thần của người bệnh. Bên cạnh điểm tựa gia đình thì y bác sĩ chính là những người truyền lửa, tiếp sức cho bệnh nhân trong hành trình chống chọi với bệnh tật của mình.
Vị bác sĩ cho bệnh nhân niềm tin ung thư không phải là dấu chấm hết
“Khi phát hiện chồng tôi bị u phổi thì mới đầu gia đình cũng coi như là cái bệnh mình hết đường chữa rồi đó. Nhưng mà rồi sau đó đến bệnh viện này, được gặp bác sĩ Linh thì lúc đó chúng tôi bắt đầu có một cái niềm tin, hy vọng để mà điều trị”.
Tâm sự của bà N.Đ, vợ của bệnh nhân L.Q.B. 69 tuổi ở quận Cẩm Lệ cũng chính là tâm sự của rất nhiều bệnh nhân và người nhà về một vị bác sĩ vừa có tâm vừa có tài tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Đó là bác sĩ CKI. Phan Đình Linh, hiện đang công tác tại Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Đây là khoa lâm sàng, ngoài thực hiện các phương pháp không phẫu thuật để chữa bệnh, điều trị hóa chất thì còn có nhiệm vụ chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư cận tử.
BS. Linh trao đổi với bệnh nhân và người nhà về hướng điều trị tiếp theo
Đau xương và ho nhiều không rõ nguyên nhân, ông L.Q.B. đã cùng vợ đi khám sức khỏe, sau đó được chẩn đoán ung thư phổi. Khi chuyển lên Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ông được chẩn đoán ung thư phổi di căn xương. Với một bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối, hiện ông vẫn đang trong quá trình điều trị sau hơn 2 năm phát hiện bệnh; đó là nhờ sự chăm sóc tận tình của người thân và hơn ai hết đó là nhờ phác đồ điều trị đúng đắn, sự động viên tinh thần kịp thời đến từ một vị bác sĩ giàu lòng trắc ẩn với các bệnh nhân ung thư. “Đúng ra là theo thông tin mình biết được thì bệnh ở giai đoạn cuối rồi thì không được bao lâu, thế nhưng đến nay chồng tôi cũng đã điều trị được hơn hai năm rồi, phải nói là bệnh viện này điều trị quá tốt. Riêng bác sĩ Linh là người điều trị trực tiếp cho chồng tôi thì tôi thấy quá tuyệt vời. Mình thắc mắc cái gì, hỏi là bác đều trả lời, rồi động viên tinh thần ghê lắm. Đó là cái động lực để gia đình yên tâm điều trị chứ hồi đó mình mới biết là bệnh giai đoạn cuối thì thật sự là buồn lắm. Tôi cũng mong những người đã mắc căn bệnh này rồi thì đừng buông xuôi mà hãy hy vọng, điều trị chứ đừng để bệnh mình nặng thêm”. Bà N.Đ rơm rớm nước mắt chia sẻ.
Theo BS. Linh, một người khi nghe tin mắc ung thư thường hoang mang, chán nản và dễ buông xuôi, bỏ trị. Vì thế việc đầu tiên là phải làm công tác tâm lý để bệnh nhân và người nhà dần chấp nhận thực tế, hợp tác điều trị với bác sĩ.
Trong thực tế khám chữa bệnh của mình, BS. Linh rất chú ý tới việc động viên tinh thần bệnh nhân. Anh cung cấp thông tin về tình trạng bệnh, hướng điều trị, những tác dụng phụ có thể gặp phải, kế hoạch điều trị và theo dõi sau điều trị.v.v.. mỗi ngày một chút để cho bệnh nhân và người nhà của họ tiếp nhận dần dần, vừa để bệnh nhân hiểu bệnh, vừa làm cho họ không bị sốc, không bị cảm thấy đột ngột quá.
Với hầu hết người bệnh ung thư, việc mắc căn bệnh này thường rất khó chấp nhận, nhất là trong thời gian đầu sau khi nhận kết quả chẩn đoán. “Khó nhất là tiếp cận, giải thích, động viên những bệnh nhân trẻ tuổi, trong độ tuổi lao động hoặc con cái còn nhỏ, đang có nhiều dự định trong cuộc sống. Những trường hợp này mình lại phải tìm hiểu hoàn cảnh bệnh nhân, những điều mà bệnh nhân còn chưa thực hiện được để động viên họ dần chấp nhận hoàn cảnh, coi như đây là một sự cố trong cuộc đời cần phải vượt qua chứ ung thư không phải là dấu chấm hết, tránh bi quan, buông xuôi, tuyệt vọng. Rồi những bệnh nhân sau điều trị gặp tác dụng phụ như thay đổi về ngoại hình thì mình lại phải động viên để họ tự tin, nếu không họ sẽ dễ bị trầm cảm, ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh và lao động, học tập”, bác sĩ Phan Đình Linh chia sẻ.
Và để cho bệnh nhân có thêm động lực chữa bệnh, yên tâm điều trị, BS. Phan Đình Linh thường đưa những câu chuyện người thật, việc thật để bệnh nhân và người nhà họ có thêm niềm tin bởi phương pháp điều trị hiện đại cũng chưa chắc thuyết phục được bệnh nhân bằng việc nghe câu chuyện về người mắc ung thư giống họ nhưng đã khỏi, sống khỏe mạnh. Những liều thuốc tinh thần, sự động viên kịp thời đó hẳn đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh để bệnh nhân có thể tin rằng ung thư không phải là dấu chấm hết. Giỏi chuyên môn, giàu lòng trắc ẩn
Là người gắn bó với Khoa Nội 4 lâu nhất, thế nên đến nay BS. Linh cũng là người có đông bệnh nhân nhất khoa. Theo chân anh đi khám,chúng tôi cảm nhận được rõ sự gần gũi giữa bệnh nhân và bác sĩ. Với bệnh nhân mới vào, anh dành nhiều thời gian hơn để động viên tinh thần, trao đổi về các biện pháp điều trị, khuyên bệnh nhân những việc không nên làm. Với bệnh nhân điều trị lâu hơn, hễ gặp anh là có thể thoải mái hỏi chuyện, pha hài. Anh gần như nhớ hết hoàn cảnh gia đình bệnh nhân, tình trạng bệnh bởi điều trị ung thư thì gần như bệnh nhân và bác sĩ sẽ cùng nhau đồng hành đến cuối đời. Những cái nắm tay, vỗ vai động viên của BS. Linh cũng phần nào đã tiếp thêm động lực để bệnh nhân yên tâm điều trị.
BS. Linh giải thích về tình trạng bệnh khi tiếp nhận bệnh nhân mới
Với vị bác sĩ này, trong điều trị ung thư thì việc chẩn đoán, điều trị đúng và tiên đoán được diễn tiến tự nhiên của bệnh để có hướng điều trị phù hợp là rất quan trọng. Vì thế đã có không ít bệnh nhân và người nhà của họ ban đầu từ bi quan, suy sụp, sau thời gian điều trị đã dần tin tưởng và hợp tác điều trị. Ví dụ như trường hợp của bệnh nhân P.Đ.T ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam: “Lúc phát hiện ra bệnh ung thư Thận thì tui cảm giác như có tiếng sét bên tai, tinh thần suy sụp. Sau đó tui gặp bác Linh, bác động viên giữ vững tinh thần, ăn uống cho tốt rồi mới điều trị tốt được. Sau mấy đợt hóa trị, tui thấy sức khỏe tốt hơn rất nhiều, ăn ngủ ngon hơn, lạc quan hơn”, ông T. chia sẻ.
Kể về một bệnh nhân đặc biệt, BS. Linh cho biết “Tôi đang điều trị cho một bệnh nhân người Mỹ năm nay hơn 80 tuổi, có nguyện vọng ở lại Việt Nam đến cuối đời”. Đó là bệnh nhân R.L.Pearl bị ung thư tiền liệt tuyến tái phát. Ông đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Tuy nhiên sau một thời gian, bệnh tình của ông di căn đến xương và ông quay lại Mỹ. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ ông bị thêm ung thư bàng quang, phải hóa trị và bệnh nhân hỏi ý kiến BS. Linh. Sau khi trao đổi kết quả chụp chiếu, sinh thiết mà Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã làm trước đó, BS. Linh khẳng định bệnh nhân Pearl bị ung thư tiền liệt tuyến di căn xương, bàng quang. Thể trạng bệnh nhân yếu nên không điều trị hóa chất mà chỉ nên điều trị thuốc nội tiết cộng với nội tiết thế hệ mới. Phía bệnh viện nơi ông Pearl đang thăm khám tại Mỹ sau đó đồng ý với kết luận và phương pháp điều trị của BS. Linh, tuy nhiên bệnh nhân R.L.Pearl quyết định không điều trị ở đó mà quay lại Việt Nam theo sự điều trị của BS. Linh mặc dù mọi chi phí đều phải tự thanh toán, không có bảo hiểm chi trả như ở Mỹ.
“Bác sĩ Phan Đình Linh là một người giỏi chuyên môn, luôn chịu khó học hỏi tìm tòi trong công tác và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là đối với bệnh nhân thì bác sĩ Linh luôn quan tâm rồi trao đổi hết sức là tận tình, chu đáo và đặc biệt có lòng trắc ẩn, tình thương đối với bệnh nhân. Đặc thù của Khoa nội 4 là có đơn vị chăm sóc giảm nhẹ những bệnh nhân giai đoạn cuối thì bác sĩ linh luôn bên cạnh chăm sóc rồi dặn dò rất là tận tình chu đáo. Có những trường hợp bệnh nhân cần sự giúp đỡ như khó khăn về kinh tế hay thiếu máu cần sự truyền máu thì bác sĩ Linh cũng tình nguyện hiến máu. Cá nhân tôi thì hết sức là tin tưởng và cũng hết sức là tự hào khi được làm việc với bác sĩ Linh”, đó là những chia sẻ thật lòng từ người quản lý, đồng nghiệp cùng làm việc tại khoa, BS CKI. Nguyễn Tuấn Anh – Phó trưởng Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Người “lựa chọn” ở lại đồng hành với bệnh nhân ung thư
Bác sĩ CKI Phan Đình Linh đã gắn bó với khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và hàng trăm bệnh nhân ung thư trong suốt 14 năm công tác kể từ khi rời mái trường Đại học Y Huế.
Khoa Nội 4 trước đây là khoa chăm sóc giảm nhẹ, chuyên tiếp nhận hỗ trợ tinh thần, điều trị giảm đau đớn cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Anh đã âm thầm cùng các đồng nghiệp, ngày đêm miệt mài chăm sóc và hỗ trợ các bệnh nhân ung thư, trong đó có những bệnh nhân cận tử. Áp lực công việc, tâm lý khi hàng ngày phải chứng kiến sự ly tán, đau đớn của bệnh nhân, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết quá gần nhau, một số bác sĩ đã chọn lựa rời đi. Thế nhưng bác sĩ Phan Đình Linh vẫn ở lại, đồng hành và gắn bó, sẻ chia với người bệnh đến những giây phút cuối đời “Nhiều khi mình nghĩ, không phải làm điều gì to tát mà có những lúc chỉ cần giúp bệnh nhân vượt qua cơn đau, giúp họ chấp nhận với thực tế bệnh tật, giúp họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn cũng là một thành công trong điều trị. Mình biết được áp lực công việc, tâm lý khi làm việc tại khoa nhưng khi thấy niềm vui của bệnh nhân và người nhà họ sau những việc mình làm thì mình cũng thấy vui rồi”.
Nụ cười và sức khỏe của bệnh nhân chính là động lực để bác sĩ Phan Đình Linh và các y bác sĩ gắn bó với bệnh viện, đồng hành với các bệnh nhân ung thư. Để mỗi khi nghĩ về các bác sĩ đã tận tâm điều trị cho mình, mỗi người bệnh, người nhà của họ đều nhắc đến với sự biết ơn và niềm tin vào những chiến sĩ áo trắng. Với những cống hiến của mình, bác sĩ CKI. Phan Đình Linh đã được trao tặng giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng năm 2023 của ngành Y tế TP. Đà Nẵng.