6 2 banner2 1

Ung thư phổi và cách phòng tránh

Thứ năm - 18/08/2022 22:21
Tại Việt Nam ung thư phổi đứng thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới, chỉ sau ung thư gan. Năm 2020, Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cho gần 23.800 người Việt.
Ung thư phổi là căn bệnh đáng lo ngại, nhưng nếu phát hiện sớm thì bạn có thể được bác sỹ đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả. Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.
Mặc dù rất khó để xác định nguyên nhân chính xác gây ra ung thư phổi, đặc biệt là ở những người phát triển ung thư phổi mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan đến lối sống làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, vì thế chúng ta cần thay đổi để phòng chống căn bệnh này.
ung thu phoi

Không hút thuốc và hút thuốc thụ động
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với ung thư phổi. Các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. Do đó, nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng bao giờ thử. Nếu bạn đã có con cái, hãy bắt đầu giải thích cho chúng hiểu về tác hại và sự nguy hiểm của thuốc lá để giúp chúng đối mặt tốt hơn với cám dỗ và áp lực của cuộc sống. Còn với bản thân những người đang hút thuốc, nên tập cai thuốc từ bây giờ.
Hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Những người hít phải khói thuốc lá cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Do đó, hãy hạn chế đến các khu vực nơi mọi người hút thuốc hoặc yêu cầu người hút thuốc ra xa nơi mình làm việc.
Giảm lượng radon trong nhà
Radon là một loại khí phóng xạ xuất phát từ sự phân hủy uranium trong đá và đất, nó thấm qua mặt đất và rò rỉ vào không khí hoặc nguồn nước. Các nghiên cứu cho thấy rằng lượng khí radon cao trong nhà hoặc nơi làm việc làm tăng số ca mắc và số ca tử vong do ung thư phổi. Giảm mức radon có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt là ở những người hút thuốc lá. Để hạn chế radon trong nhà, chúng ta có thể thực hiện tăng cường thông gió, sử dụng các máy làm sạch không khí, lưu trữ nước trong bể trước khi sử dụng, bịt kín các vết nứt trên sàn nhà hoặc trên tường,…
Phòng chống các yếu tố gây ung thư phổi khác
Phơi nhiễm với phóng xạ: Tiếp xúc với bức xạ là yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi.
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với các chất sau đây làm tăng nguy cơ ung thư phổi: aminăng, asen, crom, niken, cadmium, bồ hóng,… Những chất này có thể gây ung thư phổi với những người tiếp xúc với chúng tại nơi làm việc. Khi mức độ tiếp xúc với các chất này tăng lên, nguy cơ ung thư phổi cũng tăng theo. Ở những người hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi thậm chí còn cao hơn.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với các chất trên cần phải có biện pháp bảo vệ hợp lý để tránh nhiễm bức xạ.
Phòng tránh ô nhiễm không khí
Các nghiên cứu cho thấy những người sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Do đó bạn cần có những biện pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên bản thân.
Có một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau quả
Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây hoặc rau quả có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn so với những người ăn lượng thấp. Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại trái cây và rau quả sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng chống trả tự nhiên của cơ thể đối với những yếu tố độc hại. Việc tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư, mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống.
Để ý những dấu hiệu ung thư phổi
Các dấu hiệu của ung thư phổi rất khác nhau ở mỗi cá nhân. Một số bệnh nhân có dấu hiệu rõ ràng liên quan đến phổi, một số khác thì không có dấu hiệu cho đến khi ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Hầu hết những người bị ung thư phổi không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển. Các triệu chứng ung thư phổi có thể bao gồm: Ho trong một thời gian dài mà không giảm, đau ngực, khó thở, khò khè, ho ra máu, cảm thấy mệt mỏi mọi lúc, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Một số thay đổi khác có thể xảy ra với ung thư phổi có thể bao gồm các đợt viêm phổi lặp đi lặp lại và hạch bạch huyết bị sưng, một số triệu chứng có thể xảy ra với các bệnh khác. Do đó, khi bạn có một vài các triệu chứng này, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân cụ thể, nếu phát hiện sẽ được can thiệp sớm, giảm nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bản thân.
Hồng Hoa (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây