6 2 banner2 1

Những rối loạn do thiếu hụt I-ốt

Thứ năm - 27/10/2022 00:31
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, I-ốt là một vi chất tự nhiên, là nguyên liệu tham gia vào quá trình tổng hợp Thyroxin (hóc môn tuyến giáp). Hormone thyroxin cần thiết cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em và giúp điều hòa chuyển hóa năng lượng.
Khi thiếu I-ốt, việc sản xuất thyroxin bị giảm sút, tuyến giáp phải hoạt động bù dưới sự kích thích của hóc môn tuyến yên nên phì to dần. Tuy nhiên, nếu thiếu I-ốt quá trầm trọng thì có thể gây thiểu năng tuyến giáp. Vấn đề nghiêm trọng nhất của thiếu I-ốt là ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
I ốt
                                              Thiếu I-ốt có thể gây khiếm khuyết trí não cho trẻ em

Chế độ ăn của người mẹ nghèo I-ốt trong thời gian có thai sẽ ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ của đứa con sau này. Ở những vùng có tỷ lệ bướu cổ cao, ngoài một số trẻ bị thiểu năng trí tuệ do thiếu I-ốt còn có trẻ có khả năng phát triển trí tuệ kém.
I-ốt có từ đâu?
I-ốt cung cấp cho cơ thể từ các loại thực phẩm tự nhiên (cá, hải sản, tảo bẹ, một số loại nước uống và các loại rau trồng trên đất đủ I-ốt). Sữa bò cũng là một nguồn I-ốt do I-ốt có trong thức ăn gia súc và việc con người sử dụng các chất tẩy rửa bầu vú có iodophor trong ngành công nghiệp sữa. Muối biển tự nhiên chỉ chứa một lượng nhỏ I-ốt nên người ta đã thêm I-ốt vào muối để bổ sung.
Con người cần bao nhiêu I-ốt?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo lượng I-ốt cần cho mỗi người như sau:
- 90mcg I-ốt hàng ngày cho trẻ sơ sinh và trẻ em đến 5 tuổi.
- 120mcg/ngày cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi.
- 150mcg/ngày cho trẻ ≥ 12 tuổi và người lớn.
- 250mcg/ngày cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý vì ngưỡng thận đối với I-ốt thấp, muối dinh dưỡng (bao gồm muối I-ốt) thường bị hạn chế khi mang thai, điều đó dẫn đến nhu cầu của thai nhi và những hậu quả của sự thiếu hụt I-ốt cho thai nhi sẽ lớn hơn.
Hậu quả của thiếu I-ốt
Bướu giáp lan tỏa và bướu giáp nhân là biểu hiện rõ ràng nhất của thiếu I-ốt. Bướu cổ bước đầu lan tỏa nhưng cuối cùng trở thành nhân vì các tế bào ở một số nang tuyến giáp phát triển nhiều hơn. Do đó, ở những vùng thiếu hụt I-ốt, trẻ em và thanh thiếu niên thường có bướu giáp lan tỏa, trong khi những người lớn sống trong điều kiện thiếu I-ốt thường xuyên có bướu giáp nhân. Đối với nhiều người, bướu cổ do thiếu I-ốt chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Tuy nhiên, người lớn đặc biệt là người già, bệnh bướu cổ có thể đủ lớn để gây ra chèn ép khí quản, thực quản hoặc có thể dẫn đến ung thư tuyến giáp.
bướu cổ
                                                                                        Bướu cổ do thiếu I-ốt

I-ốt rất cần thiết cho sự phát triển đầy đủ của thai nhi và trẻ sơ sinh vì hóc môn tuyến giáp rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của hệ thống thần kinh trung ương, đặc biệt là myelin hóa thần kinh. Trong 12 tuần đầu của thai kỳ, thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào hormon giáp T4 của mẹ. Trong tuần thứ 10 đến tuần thứ 12 của thai kỳ, hóc môn kích thích tuyến giáp của thai nhi xuất hiện và tuyến giáp của thai nhi có khả năng tập trung I-ốt và tổng hợp iodothyronines. Tuy nhiên, tuyến giáp của thai nhi tổng hợp hormone giáp rất ít và tăng dần cho đến khi thai 18 đến 20 tuần.
Suy giáp trong thời kỳ phát triển của thai dẫn đến khuyết tật trí tuệ vĩnh viễn, trong đó hình thức nghiêm trọng nhất được gọi là đần độn. Ngoài khuyết tật trí tuệ, đần độn đi kèm với khuyết tật về thần kinh và tế bào soma khác.
Thiếu I-ốt nặng làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên có thể giảm tử vong đến 50% ở trẻ nếu khắc phục được tình trạng thiếu I-ốt nặng. Trẻ suy giáp hay khuyết tật thần kinh có thể bị nhiều chấn thương khi sinh, dễ bị các bệnh truyền nhiễm và thiếu hụt dinh dưỡng, điển hình ở các cộng đồng nông thôn nghèo, trong đó thiếu hụt I-ốt là quá nổi bật.
Thiếu I-ốt nhẹ đến vừa trong khi mang thai rất khó để phân biệt giữa những tác động lâu dài của thiếu I-ốt thai nhi và những tác động liên tục của thiếu I-ốt ở trẻ em và vị thành niên.
Khiếm khuyết thần kinh lâm sàng đã được mô tả ở trẻ em sinh ra từ mẹ thiếu hụt I-ốt nhẹ đến trung bình trong khi mang thai. Những khiếm khuyết này có thể được phát hiện bằng xét nghiệm bệnh học thần kinh thích hợp./.
Làm thế nào để bổ sung đủ I-ốt?
i ốt 3

Sử dụng muối I ốt là biện pháp hữu hiệu nhất phòng chống thiếu I ốt.
Muối I-ốt cần để trong lọ có nắp đậy kín hoặc túi nilon buộc kín; để lọ, túi đựng muối I-ốt xa bếp, tránh ánh sáng, tránh nguồn nhiệt; dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô rồi lại dùng tiếp đợt khác.
Muối I-ốt được dùng thường xuyên, liên tục; dùng như muối thường trong mọi hình thức nấu ăn chế biến cả khi muối dưa, muối cà, làm mắm, làm gia vị…
Muối I-ốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn mà hoàn toàn như muối thường, được dùng để cho vào thức ăn và làm cho thức ăn trở nên ngon hơn. Lượng I-ốt được trộn vào muối an toàn cho tất cả mọi người (kể cả người thiếu và không thiếu I-ốt, kể cả người bệnh bướu giáp đơn thuần hay cường giáp).
Phòng chống các rối loạn do thiếu hụt I ốt thông qua việc sử dụng thường xuyên muối I-ốt và chế phẩm có I ốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ toàn dân nhất là bà mẹ và trẻ em.
                                                                      Hải Yến (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây