Nghề Y cần chuyên nghiệp hơn bất cứ nghề nào khác

Thứ năm - 13/10/2022 22:56
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói rằng: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”.
         Bất cứ một ngành nghề, bất cứ ở lĩnh vực nào đều cần tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp có thể hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là chuyên tâm vào nghề nghiệp, công việc. Mục đích của sự chuyên nghiệp là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả và tin cậy cho người sử dụng. Nghề Y là một nghề đặc biệt, đó không đơn giản như những dịch vụ khác mà đây là dịch vụ mà hầu như tất cả mọi người đều cần đến và liên quan đến tính mạng của con người. Bởi vậy, bên cạnh y đức, tính chuyên nghiệp trong thực hành nghề y cần phải được hết sức quan tâm.
dieu tr truy vet 2
Mô hình bệnh tật cũng ngày càng phức tạp, số lượng người cần đến các dịch vụ y tế ngày càng nhiều dễ làm tăng áp lực cho người thầy thuốc.
           
           Nghề Y là một nghề đặc biệt

         Hiếm có lĩnh vực nào mà nhiều người quan tâm như lĩnh vực y tế. Đơn giản bởi nó tác động đến tất cả mọi người trong xã hội và tác động đến mọi giai đoạn trong cuộc đời của từng con người. Người thầy thuốc luôn được coi là rất có quyền lực bởi nắm giữ trong tay tính mạng của người bệnh. Người bệnh khi tìm đến bác sĩ đều có chung tâm trạng lo lắng, phó thác tính mạng mình và sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu của thầy thuốc. Người thầy thuốc vì thế dễ nảy sinh tâm lý lạm dụng người bệnh, lạm quyền. Bên cạnh đó, nghề y còn là một nghề khó kiểm soát được chuyên môn, dễ ngụy biện khi sai sót và người thầy thuốc luôn phải chịu những áp lực bởi các quyết định liên quan đến tính mạng người bệnh. Nghề y, chính vì vậy không phải là một nghề kiếm sống đơn thuần mà mỗi người thầy thuốc đều mang trong mình trách nhiệm với xã hội, mang sứ mệnh và sự ủy thác của xã hội. “Suy cho cùng, tôi hiểu rằng, thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ, thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng” (Hải Thượng Lãn Ông).
            Tăng cường tính chuyên nghiệp trong thực hành nghề y
          Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người trong chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng cao. Mô hình bệnh tật cũng ngày càng phức tạp, số lượng người cần đến các dịch vụ y tế ngày càng nhiều dễ làm tăng áp lực cho người thầy thuốc. Xu hướng kỹ thuật hóa đã làm cho người thầy thuốc ít tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hơn. Vì thế, nếu không tăng cường tính chuyên nghiệp trong thực hành nghề y, những sai sót, tai biến y khoa sẽ rất dễ xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.
Kham benh
Nghề Y không phải là một nghề kiếm sống đơn thuần mà là một nghề đặc biệt, mang sứ mệnh và sự ủy thác của xã hội.
         Từ hàng trăm năm trước, Hyppocrate-ông tổ của nền y học phương Tây và Hải Thượng Lãn Ông-người đầu tiên đưa y thuật vào chữa bệnh ở Việt Nam đã từng đề cập đến tính chuyên nghiệp trong “Lời thề Hyppocrate” và “9 điều y huấn cách ngôn”, tập trung vào ba chữ: Tâm-Đức-Tài.
         Hiện nay, tính chuyên nghiệp được xây dựng dựa trên bốn nguyên lý:
         Một là, có lòng vị tha:
        Lòng vị tha thể hiện ở chỗ, thầy thuốc phải đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết, nghĩa là quan tâm đến sức khỏe bệnh nhân chứ không phải là vấn đề tài chính. Bệnh nhân phải nhận được sự chăm sóc tốt nhất mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả. Những việc làm nhằm thu lợi cho cá nhân hoặc tập thể như làm thêm xét nghiệm, thủ tục không cần thiết hay kê đơn hoặc sử dụng thiết bị y tế nhằm thu lợi từ công ty dược, hãng sản xuất thiết bị thì tuyệt đối không được.
         Hai là, duy trì năng lực chuyên môn:
        Để phù hợp với sự biến đổi phức tạp của các loại bệnh tật, người thầy thuốc cần phải nghiên cứu, học hỏi liên tục bằng cách tự học và dự các khóa đào tạo; Đam mê tìm tòi, học hỏi, áp dụng các tiến bộ y học vào việc điều trị và góp phần thúc đẩy các tiến bộ trong y học để làm sao cho người bệnh có thể được nhận những biện pháp chữa trị, chăm sóc tốt nhất. Phải sẵn sàng để người khác xem xét/đánh giá các quyết định trong thực hành y học của bản thân mình. Nghề y không phải là nghề chữa bệnh mà là nghề chữa người bệnh, nghĩa là cùng một bệnh nhưng cách chữa trị phải tùy vào từng người bệnh, chữa bệnh cho một con người cụ thể chứ không phải chữa một thứ bệnh chung chung. Vì vậy thầy thuốc lại càng phải tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
          Ba là, tự điều chỉnh:
         Nghề y là một nghề rất khó kiểm soát chuyên môn, do đó người thầy thuốc phải tự kiểm soát bản thân về các hành vi, quyết định trong thực hành y học để tránh sai sót. Bên cạnh đó, người thầy thuốc còn phải biết hợp tác với đồng nghiệp từ học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và chia sẻ với họ những kinh nghiệm tốt của bản thân; đồng thời giúp đỡ đồng nghiệp nhận ra các sai sót, giúp họ không gây ra tổn thất cho người bệnh.
          Bốn là, có trách nhiệm với xã hội:
       Mỗi thầy thuốc phải trở thành một tuyên truyền viên để giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, cộng đồng và tham gia vào các hoạt động y tế cộng đồng...
         Để tăng cường tính chuyên nghiệp, mỗi một người làm công tác y tế phải có nhận thức đúng về giá trị nghề nghiệp (nghề y mang lại giá trị gì cho bản thân?); quản lý các xung đột lợi ích giữa thầy thuốc và bệnh nhân, giữa thầy thuốc với nhau... bởi mặt trái của cơ chế thị trường đã dẫn đến những mâu thuẫn trong chăm sóc sức khỏe (mâu thuẫn giữa tính nhân đạo và thương mại, giữa chi phí y tế ngày càng tăng và mức sống của đa số người dân còn thấp...) tạo ra các xung đột lợi ích. Người làm công tác y tế còn phải hết sức quan tâm đến vấn đề an toàn người bệnh, sai sót y khoa, những rủi ro nghề nghiệp và các vấn đề chi phí y tế, công bằng trong chăm sóc sức khỏe...
       Tóm lại, nghề Y không phải là một nghề kiếm sống đơn thuần mà là một nghề đặc biệt, mang sứ mệnh và sự ủy thác của xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói rằng: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế và mức sống của người dân chưa cao đã đặt ra nhiều thách thức trong việc tăng cường tính chuyên nghiệp trong thực hành nghề y. Tuy nhiên để xây dựng một nền y tế phát triển, đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe của con người, bên cạnh y đức, tính chuyên nghiệp lại quan trọng hơn bao giờ hết.
                                                                                                                                                  Thư Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây