Đà Nẵng: Kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế
Thứ ba - 19/07/2022 22:52
Thực hiện Kế hoạch số 3237/KH-SYT ngày 07/7/2022, từ ngày 12/7 đến 02/8/2022, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng tiến hành kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại một số cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Việc kiểm tra này nhằm mục đíchkiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, kiểm tra các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, hỗ trợ, đề xuất các giải pháp khắc phục, biện pháp xử lý, tăng cường nâng cao hiệu quả đối với công tác quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế. Ngoài kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế theo mẫu báo cáo được quy định trong Thông tư số 20/2021/TT-BYT, Đoàn kiểm tra cũng đã kiểm tra thực tế các hoạt động tại các đơn vị như hồ sơ quản lý chất thải, phân công cán bộ chuyên trách quản lý chất thải bệnh viện, công tác tổ chức, lập kế hoạch quản lý chất thải y tế; trang thiết bị ứng phó sự cố môi trường do chất thải, công tác đào tạo, tập huấn cho nhân viên,… Kiểm tra phân loại rác thải tại bệnh viện Qua kiểm tra một số đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố cho thấy, các đơn vị có sự quan tâm đến việc quản lý, xử lý chất thải y tế tại đơn vị mình, đảm bảo được các tiêu chí mà Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗi gặp phải như: thùng đựng chất thải, bao bì đựng chất thải có màu chưa đúng với quy định, thùng đựng vật sắt nhọn mỏng dễ gây thương tích cho nhân viên y tế, một số cơ sở chưa đảm bảo về hệ thống xử lý rác, nước thải,… Đoàn kiểm tra cũng đã đánh giá, hướng dẫn cụ thể nhằm giúp các bệnh viện, phòng khám sớm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý chất thải bệnh viện. Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải bệnh viện tại BV 199 Môi trường bệnh viện được xem là nơi có nguy cơ rủi ro cho sức khỏe con người. Chất thải y tế có thể gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe như lây bệnh qua đường máu cho nhân viên y tế, đặc biệt là sự cố thương tích do chất thải sắc nhọn, các dạng chất thải chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm qua tiếp xúc thông thường, ảnh hưởng của hóa chất độc hại, chất phóng xạ,… Không chỉ vậy, chất thải y tế còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, từ đó gián tiếp gây hại đến sức khỏe của con người. Chính vì vậy, việc quản lý chất thải y tế bệnh viện cần có sự quan tâm chặt chẽ từ cấp lãnh đạo, là trách nhiệm chung của cấp quản lý và nhân viên y tế. Làm tốt việc quản lý, xử lý chất thải y tế là vừa tự bảo vệ sức khỏe của chính nhân viên y tế và vừa bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng./. Hồng Hoa
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...