Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương: truyền thông y tế đã chủ động và kịp thời cung cấp thông tin chính thống
Thứ năm - 22/06/2023 22:54
Truyền thông y tế luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về y tế, phổ biến kiến thức về y tế để người dân thay đổi các hành vi, khuyến khích lối sống lành mạnh, chủ động phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khoẻ.
Đây là một trong những nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị Hướng dẫn công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế và triển khai Quy chế phát ngôn của Bộ Y tế năm 2023 khu vực phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/6. Truyền thông y tế được thực hiện với nhiều hình thức, minh bạch, chủ động và kịp thời cung cấp thông tin chính thống
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông y tế, trong phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, truyền thông y tế đã luôn chủ động, tích cực bám sát mọi hoạt động trong công tác phòng, chống dịch.
Ngay từ khi Việt Nam bước vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ, truyền thông y tế đã khẳng định được vai trò trong việc định hướng thông tin. Những thông tin y tế chính thống đã chiếm ưu thế chủ đạo trong các luồng thông tin xã hội.
Sự minh bạch, chủ động và kịp thời cung cấp thông tin đã góp phần tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, những thông tin này có vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn, định hướng người dân áp dụng đúng các biện pháp phòng chống dịch, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, hợp tác tốt với ngành y tế và các cơ quan chức năng để công tác phòng chống dịch thành công.
"Truyền thông y tế được thực hiện với nhiều hình thức đã kịp thời ghi nhận những đóng góp, cống hiến của các tập thể, cá nhân trên các mặt trận chống dịch nói riêng và công tác y tế nói chung. Niềm tin và sự đồng thuận của người dân, sự nỗ lực của các tập thể, cá nhân ngành y tế và các lực lượng chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành đặc biệt là ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 đã nâng cao uy tín, vị thế của y tế Việt Nam đối với dư luận quốc tế"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ thông tin với các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ: Xác định vai trò to lớn của công tác truyền thông y tế, trong thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành Quy chế phát ngôn tại Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 10/01/2023 và Kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2023 tại Quyết định số 1886/QĐ-BYT ngày 18/4/2023 nhằm triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế từ Trung ương đến địa phương, thúc đẩy việc đổi mới nội dung, phương thức cung cấp thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác truyền thông y tế;
Từ đó, tạo nên dòng thông tin chính thống; thiết lập và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, nhà báo với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị chuyên môn trong và ngoài ngành y tế, tạo được sự ủng hộ và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Đẩy mạnh tính phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin y tế
Đánh giá cao vai trò của công tác truyền thông y tế, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác truyền thông y tế. Đội ngũ cán bộ làm truyền thông y tế từ Trung ương đến cơ sở còn rất thiếu, chưa được đào tạo nâng cao năng lực liên tục vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí và đảm bảo nguồn lực gồm nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí cho công tác truyền thông y tế, thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông; một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế thiếu kỹ năng truyền thông và cung cấp thông tin y tế.
Ngoài ra, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm truyền thông y tế còn chưa thỏa đáng, đặc biệt là đối với cán bộ truyền thông tuyến tỉnh, huyện, xã, do vậy nhiều cán bộ chưa yên tâm công tác.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, nhu cầu được cung cấp thông tin kịp thời, chính xác của người dân về y tế ngày càng gia tăng, hơn bao giờ hết công tác truyền thông y tế cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu mạng lưới truyền thông y tế cần tiếp tục được phát triển trên toàn quốc; đội ngũ làm công tác truyền thông y tế cần được quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ; các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế cần bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông y tế; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông y tế; ứng dụng công nghệ trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi trong mọi hoạt động để chủ động có các giải pháp phù hợp; chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo; nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông phù hợp trong tình hình mới.
Tại hội nghị, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng đội ngũ cán bộ làm truyền thông thông tin y tế với kiến thức chuyên môn sâu rộng, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao và bản lĩnh vững vàng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần phát triển mạng lưới truyền thông y tế ngày càng toàn diện, đồng bộ và hiệu quả, đóng góp to lớn vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm...